Ngày 23-4, tại huyện Cần Giờ, UBND TP HCM tổ chức hội nghị thông qua Đề án Phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận.
Thủ đoạn tinh vi, táo tợn
Tại hội nghị, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn đang ở mức báo động, các đối tượng liều lĩnh tổ chức khai thác cát trái phép rất quy mô, nhất là vào ban đêm với những thủ đoạn rất táo tợn.
Một tàu hút cát lậu trên sông Đồng Nai, giáp ranh với TP HCM bị bắt quả tang vào đầu năm 2019 Ảnh: XUÂN HOÀNG
Trong giai đoạn 2015-2018, UBND huyện Cần Giờ đã phát hiện, xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. "Sở dĩ nạn khai thác cát lậu tăng một phần do khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp, kết hợp với nhu cầu sử dụng nhiều, giá thị trường cao... Ngoài ra, huyện Cần Giờ có vị trí đặc thù là khu vực biển và các tuyến sông thuộc tuyến đường vận chuyển vật liệu xây dựng và cát san lấp từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP HCM nên các đối tượng lợi dụng để khai thác cát làm ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn" - ông Dũng phân tích.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, các đối tượng thường lợi dụng khu vực có địa hình, điều kiện tự nhiên phức tạp để khai thác cát trái phép. Khai thác cát lậu thường diễn ra vào ban đêm, cử cả lực lượng cảnh giới, theo dõi tại các khu vực bến, bãi triển khai lực lượng của cơ quan chức năng để thông báo cho các đối tượng, phương tiện bỏ trốn và sẵn sàng có những hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ bằng cách nhấn chìm phương tiện vi phạm hoặc bỏ chạy. Tinh vi hơn, cùng một phương tiện nhưng sử dụng nhiều đối tượng khác nhau để khai thác cát trái phép nhằm tránh bị quy buộc tái phạm.
"Cần Giờ giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sóng to gió lớn gây khó khăn cho lực lượng truy bắt đối tượng khai thác cát trái phép. Gian nan hơn nữa là phương tiện lớn chỉ được trang bị cho Bộ đội Biên phòng nhưng hạn chế nên không thể đưa tàu neo đậu, canh gác 24/24 giờ. Mặt khác, vùng biển Cần Giờ quá rộng, lực lượng chức năng phải mất 1 giờ mới tiếp cận được thì đối tượng đã tẩu thoát hoặc chuyển hướng đi nơi khác" - ông Tuyến nói.
Không loại trừ cán bộ tiêu cực
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho rằng hiện nay việc xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép còn bất cập, chưa đủ sức răn đe. Theo ông Minh, cần phải cộng dồn lại những lần vi phạm, nếu số lượng vượt mức thì ra quyết định xử lý hình sự. Vấn đề bất cập hiện nay là hầu hết các công trình, kể cả công trình sử dụng ngân sách, công trình công ích rất quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia đều sử dụng cát khai thác trái phép. "Tôi không loại trừ khả năng cán bộ công an được phân công xác minh, điều tra phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép có tiêu cực. Do đó, chúng ta cần cử những cán bộ chuyên sâu, không phải đồng hương nhằm xác minh, xử lý triệt để" - ông Minh nói.
Sau khi nghe các ý kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: "Chúng ta có chấm dứt được tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép không?". Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tốc độ khai thác cát trái phép cứ tăng liên tục, nếu không có biện pháp giải quyết thì không xử lý triệt để được. Đáng lẽ làm đúng theo quy luật thì giảm sao lại tăng? Khai thác cát trái phép có quy luật tồn tại không?...
Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu phải kiểm tra phương tiện khi còn ở trên bờ, có được cấp giấy phép không, thuyền trưởng có giấy phép lái tàu không? Cần phải giám sát được số lượng cát lậu sau khi khai thác được tập kết ở đâu, nếu ở các tỉnh khác thì cùng phối hợp để xử lý. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với quan điểm đóng góp tại hội nghị là cần phải thành lập tổ công tác trao đổi nhanh thông tin và xử lý kịp thời nạn "cát tặc". Bộ phận tác chiến này phải phối hợp thường xuyên và duy trì 6 tháng tổng kết 1 lần để báo cáo kết quả. Trước mắt, Bí thư Thành ủy chỉ đạo xây dựng một nhà sàn làm chốt giám sát vùng biển Cần Giờ để hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển này và các tỉnh lân cận.
Cần sửa luật
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM, cho biết "cát tặc" rất liều lĩnh. Cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp tái phạm, nhằm gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện. Qua đó, hạn chế việc cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật làm hợp đồng giả để hợp thức hóa hồ sơ khi bị bắt giữ phương tiện...
Bình luận (0)