Thông tin mới nhất từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM cung cấp đã phần nào nói lên tình trạng khai thác cát lậu ở TP HCM mà cụ thể là trên biển Cần Giờ đang ở mức báo động.
Ranh ma và liều lĩnh
Theo Bộ đội Biên phòng TP HCM, từ tháng 10-2018 đến nay, đơn vị này đã phát hiện 8 vụ khai thác cát trái phép trên tuyến biển huyện Cần Giờ. Qua đó, cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính 18 đương sự, tịch thu gần 4.000 m3 cát.
Gần đây nhất, Đồn Biên phòng Long Hòa (đóng quân tại huyện Cần Giờ) đã báo cáo, đề xuất xử lý vi phạm hành chính cùng lúc 5 phương tiện bơm hút cát trái phép trên địa bàn. Trước đó, đơn vị mật phục và bắt quả tang sà lan do ông Trần Văn Vạng (ngụ tỉnh Trà Vinh) làm thuyền trưởng, sử dụng hàng chục máy bơm công suất lớn hút cát giữa biển. Gần nơi sà lan này hoạt động, 2 sà lan khác (do ông Nguyễn Văn Khuyến, ngụ tỉnh Bắc Giang) và ông Vũ Văn Hải (ngụ tỉnh Yên Bái) làm thuyền trưởng cũng ngang nhiên hút cát. Ba chủ phương tiện đều không có giấy phép vận chuyển, khai thác cát. Khi bị phát hiện, 3 chủ phương tiện tăng ga bỏ chạy, xả cát xuống biển hòng tẩu tán tang vật. Trước đó, 2 sà lan khác cũng bị tạm giữ vì vận chuyển, khai thác trái phép hơn 800 m3 cát.
Một trong nhiều phương tiện khai thác cát trái phép trên địa phận TP HCM bị lực lượng chức năng bắt giữ Ảnh: ĐỨC THẮNG
"Cát tặc" còn liều lĩnh đến mức tranh thủ tình hình lực lượng quản lý tập trung ứng phó bão số 1, nhiều đối tượng điều khiển ghe ra sông hút cát. Đơn cử, tối 3-1, cơ quan chức năng phát hiện 6 người điều khiển máy bơm hút cát từ lòng sông trên địa bàn quận 9 (TP HCM). Cùng ngày, Trạm Cảnh sát Đường thủy Cát Lái bắt quả tang 3 đối tượng có sai phạm tương tự. Lúc cơ quan chức năng phát giác, chủ phương tiện di chuyển vào rạch nhỏ, đánh chìm phương tiện. Một số đối tượng nhảy xuống sông tẩu thoát.
So với những năm trước, phương tiện, thiết bị dùng vào việc hút cát trộm hiện đại và quy mô hơn. Nhiều sà lan cỡ lớn từ tỉnh Hải Dương, Đồng Nai… vào địa phận biển TP thường lợi dụng những lúc sóng to, gió lớn để ra hút trộm trong vòng từ 1-2 giờ. Biển lặng, những phương tiện này quay về bến neo đậu. Trong khi đó, phương tiện tuần tra của lực lượng chức năng chủ yếu là canô cỡ nhỏ. Phương tiện có nhược điểm khó ra khơi, khó áp sát phương tiện vi phạm lúc sóng to, gió lớn.
Ghi nhận trên biển Cần Giờ suốt những ngày cuối năm 2018, cứ tối đến, các sà lan hút cát lậu tập trung thành từng nhóm. Họ cắt cử người đóng giả người dân địa phương chèo ghe ra đánh cá. Những ghe cá trá hình chốt chặn tại nhiều tuyến sông, biển gần khu vực cơ quan chức năng xuất quân hòng theo dõi, canh gác. Thấy dấu hiệu canô, tàu biên phòng, cảnh sát xuất bến, họ điện thoại báo đồng bọn ngừng ngay việc hút cát, quay về bến neo đậu. "Cát tặc" cũng lợi dụng bóng đêm bao phủ, sà lan tắt đèn, tắt luôn định vị nên rất nhiều lần cơ quan chức năng chỉ cách sà lan vi phạm 100 m mà không thể phát hiện mục tiêu trong tình huống trên.
Chế tài nhẹ nên... lờn
Khi bị phát hiện, một số chủ phương tiện khai thác cát trái phép trưng ra giấy phép hoạt động trong những dự án khai thác cát trên địa bàn TP đã dừng hoạt động và coi đó như "bùa hộ thân" khi giải trình.
Theo cơ quan chức năng TP HCM, trước tình trạng "cát tặc" lộng hành thời điểm giao năm 2018 và 2019, TP đã có nhiều kế hoạch đấu tranh ngăn chặn. Dù vậy, kết quả thu về vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng cho rằng mức chế tài còn quá nhẹ. Cụ thể, hành vi khai thác khi giấy phép hết hạn hoặc trong thời gian tước quyền sử dụng giấy phép sẽ bị phạt từ
50-70 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, hộ kinh doanh. Đó là chưa kể việc tổ chức, cá nhân vi phạm cải tạo, phục hồi môi trường rất khó xảy ra. Vì vậy, "cát tặc" sẵn sàng đóng phạt nếu chẳng may bị bắt.
Tinh vi hơn, theo đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM, khi bị bắt giữ, nhiều đối tượng tìm mọi cách hợp pháp hóa hóa đơn, giấy tờ liên quan. Thủ thuật này gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xác minh. Mặt khác, nhiều trường hợp cần xác minh cư trú ở nhiều địa chỉ khác nhau. Cơ quan chức năng mời làm việc thì đương sự đi khỏi nơi cư trú khiến hồ sơ xử lý vi phạm "ách" lại.
Sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế?
Theo thống kê của Cảnh sát Đường thủy Công an TP HCM, năm 2018, đơn vị này phát hiện 29 vụ việc khai thác cát trái phép trên địa bàn TP. Đơn vị tạm giữ 58 phương tiện, tịch thu hơn 17.000 m3 cát cùng nhiều phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động bơm hút cát. Từ đó, 155 đối tượng bị xử lý.
Trong cuộc họp thông báo tình hình, kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong năm 2018 và một số công tác trọng tâm năm 2019 vừa được lãnh đạo Công an TP tổ chức, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, cho biết ở TP HCM gần như 100% sử dụng cát san lấp bất hợp pháp, kể cả công trình sử dụng tiền ngân sách.
Nguyên nhân được ông Minh cho là do phía Nam không có nguồn, không có mỏ nào cho phép. Riêng cát xây dựng, tính hết trữ lượng các mỏ ở phía Nam chỉ đáp ứng được 30%-40% nhu cầu. "Vấn đề ở đây là bắt thì dễ nhưng làm sao bắt mà không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xây dựng thì đó là câu hỏi khó" - ông Minh băn khoăn.
“Cát tặc” ở TP HCM còn liều lĩnh đến mức tranh thủ tình hình lực lượng quản lý tập trung ứng phó bão số 1 vừa qua, nhiều đối tượng điều khiển ghe ra sông hút cát, bất chấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bình luận (0)