Ngày 12-11, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Công viên khoa học: Trung tâm đổi mới sáng tạo của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Ðông TP". PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, khẳng định hội thảo nhằm tìm hiểu và nghiên cứu các mô hình thành công, làm cơ sở định hình công viên khoa học trở thành một trung tâm về khoa học công nghệ, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Ðông TP.
Xu hướng tất yếu
PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho biết TP HCM đang triển khai Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Ðông tại 3 quận: 2, 9 và Thủ Ðức. Ðể phục vụ hiệu quả khu đô thị này, PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho rằng TP cần một mô hình công viên khoa học phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu đô thị, có vai trò là công cụ để chuyển dịch cơ cấu từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Ðây được xem là một bến cảng công nghệ thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, tạo một "cửa ngõ" quan trọng trao đổi tri thức công nghệ, sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao. Ðồng thời gắn kết với Khu Công nghệ cao hiện hữu, trung tâm khoa học công nghệ TP, là hạt nhân của đô thị đổi mới sáng tạo phía Ðông. Ðây cũng là nơi ươm tạo các start-up đến khi đủ mạnh.
Ông Kim Wan Jin chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Công viên khoa học ở Hàn Quốc tại hội thảo sáng 12-11
Trưởng Ban SHTP cho biết hình thành và phát triển công viên khoa học đang là xu hướng tất yếu của các nước, nhất là các quốc gia mạnh về khoa học, kỹ thuật. Trong khoảng 20 năm nay, các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc… không ngừng đầu tư vào công viên khoa học. Tùy mục tiêu phát triển kinh tế, các nước sẽ vận hành từng mô hình công viên khoa học khác nhau. Từ cuối năm 2011, TP HCM bắt đầu lấy ý kiến chuyên gia và học tập kinh nghiệm mô hình này ở một số nước tiên tiến để xây dựng đề án thành lập Công viên Khoa học và Công nghệ TP (hay gọi tắt là Công viên khoa học). Ðến năm 2015, UBND TP đã phê duyệt thành lập và triển khai đầu tư xây dựng công viên khoa học trên diện tích khoảng 197 ha tại phường Long Phước, quận 9. Ðầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép TP HCM thay đổi định hướng quy hoạch khu đất du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới ở phường Long Phước để bổ sung chức năng khu công nghệ cao (công viên khoa học).
"SHTP đang triển khai các bước để đầu tư, phát triển hạ tầng cho công viên khoa học. Theo ông Nguyễn Anh Thi, vấn đề còn lại là cần đưa ra mô hình phát triển công viên khoa học phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng" - vị lãnh đạo SHTP nhấn mạnh.
Ðiểm nhấn riêng, gắn với thế mạnh
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ các xu hướng vận hành và phát triển mô hình công viên khoa học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng như mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, mô hình tích hợp quy hoạch đô thị chung vào quy hoạch phát triển Công viên khoa học TP…
Chia sẻ mô hình công viên khoa học của Singapore, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore, ủng hộ và khẳng định tính đúng đắn của TP HCM về xây dựng công viên khoa học, làm hạt nhân thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và triển khai đề án đô thị thông minh. Ðể xây dựng mô hình này thành công ở TP HCM, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng phải tăng cường kết nối các thành tố khi hình thành công viên khoa học, không được bỏ quên cộng đồng cư dân xung quanh. Ngoài ra, cần có chính sách và biện pháp cụ thể tăng cường kết nối các lĩnh vực. Thu hút các nhà khoa học hàng đầu, công ty nghiên cứu từ nước ngoài cũng là một trong những tiêu chí quyết định đến chất lượng của một công viên khoa học.
Trong khi đó, ông Nakajima Takashi, chuyên gia JICA - Nhật Bản, cho biết Nhật Bản có nhiều công viên khoa học và thành phố thông minh như Tsukuba, Kanagawa, Kashiwanoha. Trong đó, Công viên khoa học Tsukuba được thành lập năm 1963 và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau để hoàn thiện. Công viên khoa học này thành công bởi đã làm tốt cầu nối - là khu vực hợp tác giữa học thuật và phát triển công nghiệp, với nhiều dự án được triển khai; đóng vai trò như một trung tâm đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Công viên khoa học ở TP HCM muốn thành công thì không thể quên các yếu tố trên.
Còn ông Kim Wan Jin - Giám đốc điều hành Công ty Mekonglink, Ðại diện Hiệp hội Công viên Công nghệ Hàn Quốc tại tiểu vùng sông Mekong - cho hay Hàn Quốc hiện có 19 công viên khoa học - công nghệ. Theo ông Kim Wan Jin, người làm công viên khoa học giống như các thông dịch viên. "Họ sẽ gặp gỡ cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, doanh nghiệp, trung tâm ươm tạo để lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu của từng bên và truyền thông điệp cho các bên hiểu nhau hơn" - ông Kim Wan Jin chia sẻ và nói mục đích cuối cùng là thông qua công viên có thể phát triển mạng lưới công ty công nghệ mạnh mẽ. Ðể công viên khoa học hiệu quả, ông Kim Wan Jin cho rằng định hướng của công viên cần bám theo tầm nhìn và kế hoạch phát triển của từng địa phương. Hiện tại, 19 công viên khoa học ở Hàn Quốc đều có những điểm nhấn riêng gắn với thế mạnh từng vùng.
Cần hài hòa 5 yếu tố
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), để một công viên khoa học thành công, cần hài hòa 5 yếu tố: phải là nơi đáng sống (cơ sở hạ tầng thuận lợi, môi trường phát triển bền vững); có hệ sinh thái hoàn chỉnh (đầy đủ các tổ chức đầu tư, hỗ trợ không gian, công nghệ, đào tạo, dịch vụ, tư vấn và kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp); có nguồn nhân lực chất lượng cao (kết nối được nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, phổ thông); thu hút khu vực tư nhân (có sự tham gia của các tập đoàn lớn và các start-up); nhận được hỗ trợ của nhà nước (vai trò lãnh đạo, định hướng, chiến lược lâu dài, hỗ trợ về chính sách, môi trường kinh doanh thuận lợi).
Bình luận (0)