Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), sau khi tháo dỡ thí điểm 1/8 thủy đài hình nấm (trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP HCM), kế hoạch tháo dỡ các thủy đài cổ của TP HCM bị tạm dừng.
Mong sớm kiểm định thật kỹ
Nằm sừng sững bên trong Trung tâm Văn hóa quận 5 (TP HCM) là một thủy đài hình nấm có trong kế hoạch tháo dỡ và nằm sát thư viện của trung tâm này. Thường xuyên vào thư viện đọc sách, ông Nguyễn Văn Xuyên (65 tuổi) cho rằng tuy không có nước nhưng nhìn thủy đài cũ kỹ, nhiều chỗ trên cầu thang sắt bị gỉ sét, ông vô cùng bất an. "Khi TP có kế hoạch tháo dỡ, người dân cũng đồng tình vì hạn chế những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra" - ông Xuyên nói.
Sầm uất nhất có lẽ là cụm dân cư sinh sống và buôn bán xung quanh thủy đài số 180 Phạm Phú Thứ (phường 4, quận 6). Nhẩm đếm có gần 20 ki-ốt buôn bán tạp hóa, hoa quả, bánh kẹo, quần áo dọc phần đất bên hông thủy đài này. Phía sau thủy đài có hơn 10 hộ dân xây nhà kiên cố sinh sống nhiều năm nay. Bà Hoa, một người thuê ki-ốt ở đây, cho biết lúc trước nghe có kế hoạch tháo dỡ, bà con đã chuẩn bị phương án di dời địa điểm buôn bán nhưng giờ không nghe nữa nên mọi hoạt động diễn ra bình thường. "Thấy cơ quan chức năng không khuyến cáo gì nên tui nghĩ chất lượng chắc còn bảo đảm" - bà Hoa suy đoán.
Đang phơi đồ dưới chân thủy đài tọa lạc ở số 198/2 Nguyễn Thái Sơn (phường 4, quận Gò Vấp), nghe chúng tôi hỏi có sợ không khi sống cạnh thủy đài "già nua" đang xuống cấp, cô Sáu (nhà sát thủy đài) nói thấy báo chí phản ánh nhiều cũng sợ nhưng chuyện tháo dỡ hay không là chuyện của nhà nước. "Nhà nước thấy nguy thì làm ngay thôi, chứ người dân đâu thể kiểm định được" - cô Sáu nói. Ngước nhìn lên thủy đài cao sừng sững, bên trên có cầu thang sắt bắc ngang nằm chực chờ trên đầu, tôi ái ngại hỏi: Người dân sinh hoạt ngay chân thủy đài có ngán không cô? "Chúng tôi quen rồi" - cô Sáu nói và mong cơ quan chức năng có đánh giá thật kỹ về chất lượng của thủy đài để người dân yên tâm sinh sống.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thanh, chạy xe ôm, lắc đầu ngao ngán: Mỗi lần giao hàng cho các hộ dân trong cư xá thủy đài số 198/2 Nguyễn Thái Sơn là tôi phải chuẩn bị hàng trước và tranh thủ giao nhanh bởi cảm giác bất an khi đứng dưới chân một thủy đài cũ kỹ.
Ngay phía dưới thủy đài trên đường Phạm Phú Thứ là hàng loạt ki-ốt mua bán hàng hóa
Chờ quy hoạch cấp nước và vốn
Theo SAWACO, 8 thủy đài hình nấm được xây dựng trong giai đoạn 1965-1969, mục đích nhằm tăng áp cho hệ thống cấp nước của Sài Gòn khi mạng lưới nước yếu. Thế nhưng năm 1969, khi các thủy đài xây dựng xong trong quá trình vận hành thử nghiệm thì xảy ra hiện tượng rò rỉ nên phải dừng lại để khắc phục. Tổng diện tích các thủy đài này khoảng 12.000 m2, nhiều thủy đài bỏ hoang lâu năm xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm xây dựng trái phép như thủy đài trên đường Phạm Phú Thứ (quận 6).
Khi đi thực tế tại các thủy đài, chúng tôi nhận thấy diện tích thực còn lại của các thủy đài giảm đi nhiều so với diện tích ghi nhận trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà TP cấp cho SAWACO những năm 2000. Đơn cử như thủy đài số 198/2 Nguyễn Thái Sơn, diện tích trong giấy chứng nhận năm 2000 là khoảng 1.800 m2 nhưng thực tế bên trong phần đất này là cư xá thủy đài với 18 hộ dân và 6 hộ dân sống quanh thủy đài. Hầu hết các hộ dân được cấp giấy đất năm 2003. Các hộ dân cho biết phần đất họ có giấy chứng nhận là do SAWACO cấp cho cán bộ ngành nước những năm 1980. Hiện tại phần đất trống còn lại xung quanh thủy đài này khoảng 500-800 m2.
Tương tự, thủy đài 180 Phạm Phú Thứ, diện tích 3.200 m2 nhưng do tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm xây dựng trái phép nên được bàn giao cho quận 6 xây dựng trường tiểu học như quy hoạch, hiện tại UBND phường 4 là đơn vị được giao trông coi khu đất, không để phát sinh các trường hợp lấn chiếm mới trong khi chờ kế hoạch xây dựng trường.
Các chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc cho rằng hầu hết các thủy đài đều nằm vị trí đẹp, mặt tiền đường, giá trị lớn. Nếu bàn giao đất cho TP, tổ chức đấu thầu, các vị trí này có thể xây trường học, công trình công cộng, nhà cao tầng... mang về giá trị rất lớn cho TP. Do đó, TP cần gấp rút tiến hành tháo dỡ, vừa loại bỏ nguy cơ tai nạn vừa khai thác quỹ đất một cách tốt nhất.
Lý giải nguyên nhân tạm dừng tháo dỡ 7/8 thủy đài hình nấm, đại diện Ban Hạ tầng kỹ thuật cấp nước của SAWACO cho biết về vấn đề kỹ thuật, tháo dỡ thủy đài hoàn toàn không gặp trở ngại nhưng việc tháo dỡ các thủy đài phải tạm dừng là để chờ UBND TP thông qua quy hoạch cấp nước toàn TP, trên cơ sở có bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại các thủy đài. Ngoài ra, nguồn vốn để tháo dỡ các thủy đài không được tính trong giá nước nên phải bổ sung vào kế hoạch cấp nước an toàn của TP. "Các thủy đài hình nấm không chứa nước nên vẫn an toàn đối với các hộ dân bên dưới" - đại diện SAWACO khẳng định.
Làm trạm bơm, bể chứa nước
Từ năm 2015, SAWACO có báo cáo gửi UBND TP HCM về hướng xử lý 8 thủy đài hình nấm đang xuống cấp thuộc quyền quản lý của đơn vị này và đề xuất làm bể chứa nước dự trữ ngầm, trạm bơm tăng áp cấp nước trung gian.
Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, SAWACO thí điểm tháo dỡ thủy đài trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), việc tháo dỡ kéo dài khoảng 6 tháng với kinh phí khoảng 850 triệu đồng, sau khi tháo dỡ thành công thủy đài này thì việc tháo dỡ 7 thủy đài còn lại tạm dừng đến 2 năm.
Bình luận (0)