Chiều 1-11, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp định kỳ về tình hình phát triển kinh tế -xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022.
Tín hiệu tốt từ nhiều ngành quan trọng
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 ngành trọng điểm 10 tháng năm 2022 ước tăng 22,5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 10 tháng tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ cố gắng trình nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sớm nhất
Về thu ngân sách, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú thông tin tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 392.790 tỉ đồng, đạt hơn 101% dự toán năm và tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, ngành tài chính thành phố tiếp tục điều hành thu chi ngân sách chặt chẽ, chủ động. Cụ thể như tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; tập trung xác định số kết dư ngân sách quận, phường; tiếp tục rà soát và đề nghị các cơ quan, đơn vị đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 67/2021.
Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế - xã hội thành phố phải đối diện với nhiều thách thức. Nổi lên là nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu. Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin tính đến 12 giờ ngày 1-11, toàn thành phố có 108/550 cửa hàng mặc dù vẫn mở cửa phục vụ nhưng trong tình trạng thiếu xăng, có 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa và làm thủ tục đóng cửa. Ông liệt kê các quận, huyện thiếu xăng cung ứng là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Bình Tân, thuộc hệ thống cửa hàng bán lẻ tư nhân. "Họ không kinh doanh theo chuỗi mà theo hộ gia đình nên khó khăn" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.
Sau khi phân tích nguyên nhân và nêu những giải pháp đang thực hiện, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định vấn đề trên cơ bản thành phố đã khắc phục một phần khó khăn.
Một số khó khăn khác của thành phố kéo dài nhiều tháng qua được nêu trong cuộc họp là việc giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng; công tác bồi thường, thu hồi, đấu giá đất, khai thác, quản lý và bảo vệ các khu đất gặp một số hạn chế, tồn tại nhất định…
Dùng nội lực khơi thông dư địa
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19, TP HCM đã có nhiều điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Đến nay, TP HCM đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,97%, dự kiến đạt mức hơn 9,4% trong năm 2022, vượt xa so với mục tiêu ban đầu là 6,5%. Thành phố cũng đạt hơn 101% so với kế hoạch về thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm.
Chỉ ra những thách thức thời gian tới (như xu hướng giảm tăng trưởng, tăng lạm phát; một số ngành công nghiệp sản xuất bị suy giảm; giá cả leo thang…), ông Phan Văn Mãi nói những thách thức ấy đặt ra cho thành phố bài toán về an sinh xã hội. Ông cũng chỉ rõ một vấn đề lớn của thành phố là tỉ lệ giải ngân đầu tư công ở mức rất thấp so với bình quân cả nước. Mặt khác, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế, thái độ công vụ tại một số nơi chưa tốt, chưa hiệu quả.
Trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn của thị trường trong nước và thế giới. Do đó, cần đặt trọng tâm là dùng nội lực để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông dư địa để phát triển.
Đối với vấn đề giải ngân đầu tư công, TP HCM đã lên kế hoạch, giải pháp về thời hạn giải quyết, tỉ lệ giải ngân theo từng giai đoạn cho mỗi dự án. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh vấn đề còn lại là người điều hành, chủ đầu tư thực hiện ra sao bảo đảm kế hoạch, tiến độ.
Riêng với Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, Chủ tịch UBND thành phố cho biết trong tháng 11, thành phố tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ rồi trình xin ý kiến Bộ Chính trị để thống nhất nội dung thay thế nghị quyết này. "TP HCM sẽ cố gắng trình nghị quyết thay thế sớm nhất, có thể đưa vào kỳ họp Quốc hội chuyên đề, kỳ họp giữa năm 2023, chậm nhất là kỳ họp cuối năm 2023" - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Nhiều dự tính lớn thời gian tới
Sắp tới, UBND TP HCM sẽ trình lên HĐND thành phố về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; xin chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm như rạch Xuyên Tâm, khép kín Vành đai 2.
Riêng trong tháng 11, thành phố sẽ xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội; hoàn thiện tiêu chí thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng chương trình trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài sản công...
Bình Dương: Thặng dư thương mại 8 tỉ USD
Ngày 1-11, thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10-2022, UBND tỉnh Bình Dương cho biết tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đạt nhiều kết quả khả quan trong 10 tháng đầu năm. Ảnh: T.NGUYỄN
Cụ thể, 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ; thương mại - dịch vụ tăng 19,6% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định khi kim ngạch xuất khẩu đạt gần 29 tỉ USD, nhập khẩu 21 tỉ USD, qua đó duy trì thặng dư thương mại 8 tỉ USD.
Những tháng cuối năm, Bình Dương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022; chú trọng phát huy các cách làm hiệu quả trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông.
T. Nguyễn
Bình luận (0)