Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 khai mạc vào ngày 3-10.
Nhiều giải pháp
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết về kinh tế của TP, 9 tháng đầu năm 2017 tăng 7,97%, cao hơn so với cùng kỳ. "Cùng kỳ cao hơn năm ngoái nhưng chúng ta đã yên tâm hơn chưa?" - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi. Năm nay, TP HCM đặt mục tiêu kinh tế đạt từ 8,4%-8,7%. Tuy nhiên, đến nay mới tăng 7,97% nên từ đây đến cuối năm, phải dồn sức đạt mục tiêu đề ra, đồng thời rút ra bài học để năm sau thực hiện tốt hơn.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, từ đây đến cuối năm, TP sẽ rà soát, có giải pháp hỗ trợ cụ thể các đơn vị kinh doanh tham gia thị trường bán lẻ trên địa bàn, chủ động dự báo, ứng phó với những thách thức từ sự thâm nhập thị trường trong nước của các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn, đa quốc gia trên thế giới. Tập trung quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại. Tiếp tục triển khai các giải pháp theo kế hoạch thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung hoàn thiện cập nhật cơ sở dữ liệu công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo thông tin kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và giữa doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối…
Biến "điểm nóng" thành đất vàng
Vấn đề đất đai cũng được đặt ra tại hội nghị lần này, ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP, cho biết khi tiếp xúc cử tri, vấn đề quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn được cử tri phản ánh nhiều nhất. Đây được coi là "điểm nóng", nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép rồi khiếu kiện đất đai kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng TP hiện có diện tích đất nông nghiệp lớn, hơn 100.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích đất đai. Thế nhưng, phần lớn đất nông nghiệp nằm trong dự án treo, không sử dụng nên dẫn đến lãng phí… Người dân ở đó mấy chục năm, con cái lớn có nhu cầu xây dựng nhà nhưng đất nằm trong dự án treo không thể xây cất, từ đó dẫn đến điểm nóng xây dựng trái phép. "Chúng ta vẫn nói đất là "vàng", nguồn lực quan trọng cho phát triển nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp và chính sách để biến đất thành "vàng". Phải xin ý kiến trung ương chuyển đất nông nghiệp sang đất sử dụng cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Làm được việc đó sẽ nâng cao được đời sống nhân dân, giảm tải vấn đề xây dựng không phép, nâng giá trị đất nông nghiệp không sử dụng. Ngoài ra, chúng ta còn thu được một khoản tiền từ việc chuyển đổi" - ông Ngân nói.
Xây dựng không phép tăng
Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy trong 9 tháng đầu năm, vi phạm xây dựng trên địa bàn tăng 35%. Có những quận - huyện tỉ lệ xây dựng không phép dưới 10 trường hợp, đặc biệt như quận 4, 6, 11 không có trường hợp nào; quận 3 có 9 trường hợp, quận 5 có 4 trường hợp, quận Phú Nhuận 7 trường hợp, quận Tân Bình 8 trường hợp và huyện Hóc Môn 2 trường hợp. Nhưng lại nổi lên những quận - huyện năm trước không có trường hợp nào xây dựng không phép thì nay lại có tới 38 trường hợp xây dựng không phép như quận 1…, nóng nhất là huyện Củ Chi có trên 200 trường hợp xây dựng không phép. Chín tháng đầu năm 2017, TP có hơn 22.000 công trình đang thi công; qua kiểm tra đã phát hiện xử lý hơn 2.500 vi phạm, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. "Nếu cứ để tình trạng này thì không thể nào kiểm soát được. Chúng ta đang xây dựng TP đáng sống mà thế này thì làm sao sống nổi!" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Góp ý về công tác quản lý đất đai, ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, nêu lại vấn đề "nóng" về đất đai tại huyện thời gian qua. Tại nhiều khu vực, đầu nậu đất và người dân tự ý mở đường, phân lô chia nền, chuyển nhượng trái phép trên các khu đất nông nghiệp. Huyện vừa phát hiện 160 ha đất nông nghiệp được chuyển thành đất ở, phá vỡ quy hoạch của huyện. Ông Nguyễn Cư kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND TP thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất của 160 ha đất nông nghiệp; chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm này.
Bình luận (0)