Qua quá trình thanh tra, TTCP đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Trường Đại học Nông lâm TP HCM như: không có phương án sắp xếp sử dụng nhà đất theo quy định; giao cấp đất trái thẩm quyền, sai quy định; công tác quản lý không chặt chẽ, công tác quản lý địa chính bị buông lỏng.
Cụ thể, trường Đại học Nông lâm TP HCM là một trong những trường đại học được tạo điều kiện giao diện tích đất sử dụng khá lớn, nhưng đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm ở 3 khu vực, trong đó có khu vực người dân sử dụng đất đã hình thành nên một khu phố. Tuy nhiên việc xử lý thiếu kiên quyết, không đồng bộ, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài đối với chính quyền địa phương, không giải quyết dứt điểm được.
Kể từ năm 1990, khi được giao đất cho đến nay, trường đại học này chưa trình duyệt được quy hoạch chi tiết về sử dụng đất cũng như quy hoạch chi tiết xây dựng phát triển không gian.
Trường Đại học Nông lâm TP HCM - Ảnh: CTV
TTCP cũng chỉ rõ, các dự án đầu tư mang tính riêng lẻ, không thể hiện sự kết nối với Trường Đại học Quốc gia và các dự án hạ tầng của địa phương. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn sự lãng phí nguồn vốn và đất đai. Trách nhiệm này thuộc về Hiệu trường Trường Đại học Nông lâm TP HCM và Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM kể từ thời kỳ tháng 10-1993.
Cũng theo kết luận thanh tra, việc giao nhà đất cho 25 trường hợp là cán bộ, công nhân viên Trường Đại học Nông lâm TP HCM bị cơ quan thanh tra nhận định là không đúng quy định. Sau khi giao đất đã không quản lý chặt chẽ để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép của các hộ và tách hộ.
"Việc hợp tác, liên doanh, liên kết không đúng quy định (bến xe buýt, ki-ốt, xưởng pallet, khu kinh doanh cây xanh đô thị). Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP HCM qua các thời kỳ"- kết luận của TTCP nêu rõ.
TTCP khẳng định, việc tạm giao trên 6.000 m2 đất hành lang đường Xuyên Á là không có cơ sở pháp lý, không có quy định pháp lý về tạm giao đất. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Địa chính, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2003.
Ngoài ra, TTCP kết luận, công tác quản lý địa chính không chặt chẽ, dẫn đến không theo dõi được tình hình biến động đất đai, thực trạng sử dụng đất; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn. Nguyên nhân được xác định do Trường Đại học Nông Lâm TP HCM quản lý bảo vệ đất đai yếu kém, có biểu hiện buông lỏng, không tuân thủ các quy định. Trong khi đó, việc phối hợp ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm của chính quyền địa phương chưa quyết liệt.
Từ kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Đại học Nông Lâm TP HCM xử lý các trường hợp liên doanh, liên kết (dãy ki-ốt, khu kinh doanh cây xanh, bến xe buýt) theo quy định. UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Đại học Nông Lâm TP HCM rà soát, kiểm kê, đo đạc, xác định diện tích cụ thể cần thu hồi.
Đồng thời kiến nghị hiệu trưởng Trường Đại Nông lâm TPHCM khẩn trương phân loại xử lý nhà đất theo quy định; thu hồi, giải tỏa đối với khu đất cấp cho cán bộ công nhân viên; thu hồi, giải tỏa đối với khu vực hành lang dọc đường ống nước thô Hóa An - Thủ Đức…
Sau khi kết luận của TTCP chỉ rõ một số sai phạm nêu trên, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Trường Đại học Nông Lâm TP HCM lập quy hoạch chi tiết trình Bộ Xây dựng phê quyệt. Quy hoạch gồm diện tích dành cho đào tạo, phục vụ đào tạo, nhà công vụ; tách khu dân cư hiện hữu ra khỏi quy hoạch; dành diện tích hợp lý giao lại cho địa phương xây dựng khu tái định cư cho các hộ trong khuôn viên của trường phải di dời.
Bình luận (0)