Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 12-5 tổ chức hội thảo với chủ đề Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP) cho hệ thống đường sắt đô thị TP HCM.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, thành phố đang triển khai nhiều dự án trọng điểm với phía Nhật Bản. Thông qua các dự án như đại lộ Đông - Tây, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án cải tạo môi trường nước TP HCM lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2… thành phố có những trao đổi, học tập rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ phía Nhật Bản.
Đại diện MAUR tặng quà lưu niệm cho đại diện JICA
Ông Cường thông tin mô hình TOD và đầu tư theo hình thức PPP đang được chính quyền các địa phương quan tâm áp dụng trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt đô thị. TP HCM đang chờ Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển thành phố tại kỳ họp tháng 6-2023.
Trong đó, thành phố có đề xuất thí điểm mô hình TOD và đề xuất tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị tuyến số 1 và số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Khi được Quốc hội thông qua, TP HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước tiên phong trong thực hiện thí điểm mô hình TOD mà công trình đường sắt đô thị là hạt nhân, trung tâm của mô hình này.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh các ý kiến tại buổi hội thảo có đóng góp quan trọng vào chính sách phát triển về TOD và PPP cho thành phố, đặc biệt là phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Bà Yoko Takebayashi, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, nhận xét để thúc đẩy phát triển TOD tại Việt Nam thì việc xem xét cơ chế đặc thù thí điểm cho TP HCM hoặc thí điểm trong những dự án ban đầu với những cơ chế linh hoạt là điều rất quan trọng. Bà cũng cho rằng cần sự tham gia của các bộ ngành trung ương như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện phát triển TOD.
Bình luận (0)