Ngày 19-12, UBND TP HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn.
Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới; thảo luận về phương hướng áp dụng TOD và PPP trong phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP HCM.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhìn nhận phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện hiện đại tại TP HCM góp phần giảm khí thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông cũng như đạt mục tiêu cam kết của Việt Nam với quốc tế. Trong đó, việc hình thành, hoàn thiện các tuyến metro theo quy hoạch là rất cần thiết.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhận định mô hình TOD giúp phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao (qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị) được xem là một giải pháp tài chính mang tính chiến lược để phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Để thực hiện giải pháp trên, TP HCM đang khẩn trương nghiên cứu về quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng TOD, cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Đây là cơ sở để khai thác quỹ đất vùng phụ cận xung quanh các nhà ga nhằm tạo nguồn vốn cho ngân sách.
Bên cạnh nguồn lực ngân sách, TP HCM sẽ tạo cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia thực hiện metro theo hình thức PPP. Theo ông Lâm, sau khi quy hoạch xong các khu đô thị TOD, thành phố sẽ xin cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, trong đó đề xuất áp dụng chỉ định nhà đầu tư để đẩy nhanh triển khai các dự án đường sắt đô thị.
Ông Shige Sagaki - điều phối viên Chương trình Giao thông Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng chủ nhiệm Cộng đồng chuyên gia về TOD - cho rằng TP HCM cần xây dựng chính sách TOD trên toàn thành phố cũng như đánh giá mức độ sẵn sàng về phát triển TOD.
Bình luận (0)