Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Lý do mà UBND TP đưa ra là quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thoả thuận hoặc để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như: toà án, viện kiểm sát, thi hành án…
Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của toà án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.
Mặt khác, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẻ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư, hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.
Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.
Ngoài ra, để tránh tình trạng các công ty đòi nợ có trụ sở tại một tỉnh, thành mở văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh, thành khác để lách luật hoạt động, UBND TP đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đưa văn phòng đại diện của các công ty đòi nợ vào diện cấp giấy an ninh trật tự để tiện việc theo dõi quản lý.
Bốn đối tượng ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị công an bắt giam vì có hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
UBND TP nhìn nhận hiện nay hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội; một số công ty thường sử dụng các chiêu trò, đe dọa... gây hoang mang cho khách nợ.
Công ty đòi nợ sử dụng những đối tượng có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm đến nhà khách nợ để đòi nợ. Các công ty đòi nợ yêu cầu khách nợ phải lên công ty đòi nợ để xác nhận nợ, khi lên đến công ty các khách nợ bị đe dọa và ép buộc xác nhận nợ, từ đó làm căn cứ để công ty đòi nợ ép buộc khách nợ phải trả tiền. Hoặc gây áp lực lên khách nợ bằng hình thức treo các băng rôn đòi nợ tại nơi khách nợ đang sinh sống, hoặc làm việc nhằm gây áp lực lên khách nợ buộc phải trả tiền...
Mặt khác do mức phí dịch vụ để thực hiện họp đồng đòi nợ hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định mà hầu hết là tự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp hoạt động đòi nợ với khách hàng (chủ nợ) có khi 10% hoặc 20, 30, 50% tùy theo số tiền nợ phải đòi, khả năng, điều kiện của khách nợ, từ đó kích thích vào lòng tham doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để thực hiện đòi nợ bằng được như tạt sơn, ném chất bẩn... vào nhà để uy hiếp tinh thần.
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn TP có 75 doanh nghiệp hoạt động ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, với tổng số vốn điều lệ là gần 400 tỉ đồng. Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ lớn nhất 200 tỉ đồng; doanh nghiệp có mức vốn điều lệ thấp nhất 2 tỉ đồng.
Năm 2018, Công an TP đã kiểm tra 8 lượt doanh nghiệp, qua kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp, với số tiền phạt là 35 triệu đồng về các hành vi vi phạm như sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự…
Đồng thời, Công an TP có thông báo trả lời 21 đơn có liên quan đến các công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Qua đó đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 6 triệu đồng.
Bình luận (0)