Ngày 20-11, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa tại TP HCM (buýt đường sông) - cho biết sau hơn 3 tháng hạ thủy vận hành kỹ thuật, tuyến buýt đường sông đầu tiên tại TP HCM sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ ngày 25-11, sau cả chục năm ấp ủ.
Miễn phí trong 10 ngày đầu
Theo ông Toản, tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) - thuộc dự án đầu tư 2 tuyến vận tải nói trên - đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá mức độ an toàn cũng như nhu cầu của hành khách… Lộ trình tuyến sẽ từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới. Tổng chiều dài là 10,8 km và thời gian hành trình của mỗi tuyến sẽ vào khoảng 30 phút và thời gian mỗi tàu cập bến đón - trả khách giới hạn trong khoảng 3 phút.
Tàu buýt thuộc tuyến số 1 đang sẵn sàng phục vụ hành khách
Tuyến buýt đầu tiên có 12 điểm đón, trả khách nằm trên lộ trình, thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức. Tại những bến bãi chính, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chủ đầu tư cũng chú trọng đến mỹ quan cũng như phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch. Theo ghi nhận, tại bến Bạch Đằng - điểm đầu của tuyến - hiện đã được cải tạo và xây mới nhiều hạng mục để hành khách chờ tàu buýt cũng như phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn. Khuôn viên của bến được thiết kế khá rộng và hiện đại với các tiểu cảnh công viên, quán cà phê ven sông... Phía trong nhà chờ cũng được lắp đặt ghế ngồi cùng nhiều tiện ích khác để phục vụ hành khách. Còn tại bến Linh Đông - điểm cuối tuyến - cũng thiết kế rộng rãi và thuận tiện cho hành khách di chuyển. Đối với những trạm dừng khác như khu vực bến Tầm Vu, Bình Triệu,... hiện đã cơ bản hoàn thành các hạng mục kỹ thuật và chủ đầu tư cho biết đang tiếp tục bổ sung nhiều yếu tố để đồng bộ, tăng khả năng tiếp cận và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của hành khách.
Ông Toản thông tin khi đưa vào vận hành chính thức, tuyến buýt đường sông số 1 sẽ có 5 tàu buýt (mỗi tàu 80 chỗ) hoạt động. Trong đó, 4 tàu sẽ vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. "Trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, hành khách khi đi tuyến buýt đường sông này sẽ được miễn vé. Việc này nhằm thu hút người dân cũng như tạo dần thói quen đi lại và sau đó giá vé mới áp dụng 15.000 đồng/người/lượt" - ông Toản nói và cho biết tại các bến bãi và trạm dừng của tuyến sẽ được bố trí các quầy bán vé để hành khách lên tàu, tương tự việc bán vé ở các bến đò, phà.
Tăng cường kết nối
Liên quan đến việc chuẩn bị đưa tuyến buýt đường sông số 1 vào khai thác, Công ty TNHH Thường Nhật đã có đề xuất sử dụng xe điện 4 bánh vận chuyển khách du lịch và người dân trong phạm vi hạn chế từ các bến tàu của tuyến này đến các khách sạn, địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn TP như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng TP… Việc này nhằm đa dạng hóa loại hình vận chuyển và cũng phù hợp để phát triển du lịch. Đề xuất nêu trên nói rõ loại xe điện sử dụng là phương tiện từ 8 tới 14 chỗ, với 10 xe hoạt động từ 5 giờ tới 22 giờ mỗi ngày. Điểm đậu xe cũng được tính toán sẽ bố trí tại các bến thủy Vườn Kiểng (quận 1), Bình An và Thảo Điền (quận 2).
Trong khi đó, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tại TP hiện đang cho thí điểm 3 tuyến xe buýt điện không trợ giá, hoạt động ở khu vực trung tâm và Phú Mỹ Hưng (quận 7). Từ ngày 25-1 (thời điểm bắt đầu cho thí điểm) đến nay, Sở GTVT đánh giá hoạt động của các tuyến xe buýt điện này đã nhận được sự ủng hộ của người dân, trung bình mỗi ngày vận chuyển từ 800-1.000 khách. Vì vậy, Sở GTVT đánh giá việc cho thí điểm xe điện 4 bánh trong phạm vi phù hợp, hạn chế là cần thiết để phục vụ người dân đi lại cũng tham quan du lịch và cũng phát huy hiệu quả của tuyến buýt đường sông.
Sở GTVT cũng cho biết trước đề xuất nêu trên của Công ty TNHH Thường Nhật, sở đã có văn bản lấy ý kiến các sở - ngành cùng quận, huyện liên quan và hiện nhiều bên đã đồng ý. Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP xem xét, đề nghị Bộ GTVT có ý kiến thống nhất, hướng dẫn triển khai thực hiện đối với đề xuất này và hiện đang chờ chỉ đạo.
Trong khi đó, cũng liên quan đến việc tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt với tuyến buýt đường sông, Công ty TNHH Thường Nhật cho hay hiện những bến bãi chính như Bạch Đằng, Linh Đông đã được kết nối cũng như hình thành các bãi giữ xe máy. Về phía Sở GTVT, trao đổi với phóng viên, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT TP HCM, khẳng định đơn vị chuẩn bị điều chỉnh điểm cuối của tuyến xe số 89 từ khu vực đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) tới điểm cuối của tuyến buýt đường sông số 1 là Linh Đông nhằm tăng khả năng kết nối và chuyên chở hành khách.
Tuyến số 2 bị vướng công trình
Dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP HCM là mô hình vận chuyển hành khách công cộng được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho giao thông đường bộ và phát triển du lịch.
Ngoài tuyến số 1, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3 km cũng thuộc dự án nêu trên, dù được triển khai song song nhưng chưa hình thành bởi đang vướng công trình xây dựng cống ngăn triều tại khu vực Bến Nghé. Hiện chủ đầu tư cũng đang kiến nghị nhanh chóng giải quyết những vướng mắc này để đầu tư xây dựng tuyến số 2, đưa vào vận hành năm 2018.
Bình luận (0)