Không phải ngẫu nhiên mà bãi biển Nam Ô "thoát nạn" trong cơn lốc resort, khu nghỉ dưỡng phủ đầy các bãi biển của "TP đáng sống" tại miền Trung. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt cho Tập đoàn Trung Thủy 36 ha đất ven biển để xây dựng khu du lịch sinh thái Lancaster Nam Ô. Tập đoàn này cho rào bít lối xuống biển. Người dân bức xúc kéo đến phản ánh, yêu cầu mở lối xuống biển để họ mưu sinh.
Không may mắn như người dân Nam Ô, người dân tại rất nhiều địa phương khác của TP này cũng đã đắng cay xa rời vùng biển mà họ bao đời gắn bó để "nhường" đất cho các nhà đầu tư lắm của nhiều tiền xí phần những bãi biển đẹp nhất để làm du lịch. Chưa biết những dự án này đóng góp được bao nhiêu cho sự phát triển của TP, đã làm gì để nâng cao đời sống của người dân nhưng trước mắt, bao gia đình đã chịu rất nhiều thiệt thòi. Trong cuộc cạnh tranh ở thế yếu, người dân địa phương luôn bị đẩy ra xa vùng đất mà nhiều đời họ từng gắn bó.
Câu chuyện buồn này nối tiếp "vết xe đổ" của nhiều địa phương khác. Cả dải đất miền Trung tuyệt đẹp giờ chẳng còn mấy bãi biển hoang sơ mà người dân các nơi có thể tự do hưởng thụ. Khu du lịch mọc lên, muốn bước chân xuống biển phải trả tiền. Nhà đầu tư khi lập dự án luôn vẽ lên bao viễn cảnh tươi đẹp về việc bảo tồn cảnh quan, hợp tác với người dân địa phương để nâng cao đời sống cho họ... Thế nhưng khi đã được giao đất, mọi chuyện đều bị biến thành lợi nhuận, như tính toán vốn có của nhà kinh doanh. Ngay cả lãnh đạo của TP Đà Nẵng cũng phải thừa nhận: "Giải quyết lối đi xuống biển cho người dân, chính quyền phải thương lượng với các chủ đầu tư để xin họ từng mét đất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đồng ý vì họ không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt".
Lấy lý do phát triển du lịch, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành luôn sẵn lòng mời gọi nhà đầu tư và vung tay cấp đất. Nghiệt ngã, đấy toàn là những mảnh đất màu mỡ tuyệt đẹp và ở các vị trí đắc địa nhất. Khi dự án mọc lên, nó trở thành lãnh địa riêng của các nhà đầu tư và khách du lịch lắm tiền.
Phát triển kinh tế du lịch đã qua rồi cái thời cứ khai thác tài nguyên mà sống. Du khách bây giờ cũng không còn mặn mòi với việc chui vào khách sạn hưởng thụ những tiện nghi giữa bốn bức tường. Họ tìm đến thiên nhiên, khám phá cảnh quan hoang sơ chưa bị bê tông hóa. Họ hòa mình với cư dân bản địa để thẩm thấu những giá trị văn hóa cộng đồng... Quảng Nam từ nhiều năm trước đã nhìn thấy điều này và xây dựng thành công mô hình du lịch văn hóa.
"Trả biển lại cho người dân" , đề nghị này không chỉ là của những ngư dân chân chất Nam Ô mà còn là lời yêu cầu của cư dân trên mọi vùng biển khác đang bị "phân lô, bán nền" ở khắp các vùng biển đẹp đẽ của đất nước.
Bình luận (0)