Đúng là trò rẻ tiền nhưng chỉ trách Ngọc Sơn thì cũng chưa thỏa đáng. Gây chú ý bằng những trò như thế, trong xã hội hiện nay cũng thường, nhất là giới ca sĩ. Nhiều người sẵn sàng chửi rủa nhau chỉ mong được nhắc tên trên các phương tiện thông tin, bởi chẳng có hoạt động gì làm cho người khác nhớ. Ca sĩ thì kiêu ngạo, xem thường khán giả nhưng lúc nào cũng ngay ngáy lo khán giả quên mình nên dùng đủ chiêu trò lôi kéo những nhà báo hóng hớt đưa tin. Ngọc Sơn cũng làm thế, chỉ có điều anh vô tư cho rằng nhiều người sẽ tin vào cái mác "giáo sư" ấy.
Thói háo danh đã thành căn bệnh không thuốc chữa của xã hội. Và mảnh đất màu mỡ cho thói háo danh sống chính là lợi lộc mà nó mang lại. Một hiệu trưởng trường cao đẳng ở Quảng Nam mua danh hiệu "Nhà lãnh đạo xuất sắc" bằng tiền ngân sách đấy thôi. Tại Nghệ An, giám đốc một doanh nghiệp được phong "Doanh nhân trẻ xuất sắc" vừa giở thói côn đồ đánh bác sĩ ngay tại bệnh viện khi đang cấp cứu cho người thân của ông ta cũng chưa nghe nói bị xử lý gì...
Có cầu ắt có cung, dù là những món hàng khó tin nhất. Hàng trăm tổ chức, hội hè được sinh ra như nấm sau mưa sẵn sàng bán danh hiệu nghe vang cả trời nhưng chả có tí thực chất nào đang sống khỏe. Giá cả nào có bí mật, không công bố nhưng ai cũng biết.
Chúng ta cũng có không ít tiến sĩ ở khắp các cơ quan, doanh nghiệp nhưng trình độ thực sự được mấy người. Còn việc họ có những công trình khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế lại càng hiếm. Trong khi, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc và qua đó có thể đánh giá được năng lực của một nhà khoa học đúng nghĩa.
Không ít chương trình đào tạo tại chức mù mờ trình độ từ đầu vào và mù mờ không kém ở đầu ra. Những sản phẩm đào tạo này lắm lúc lại có tiếng nói quyết định đến các vấn đề quan trọng với dân sinh. Đáng ngại hơn, trong số này, nhiều người lại bước chân đến giảng đường rao giảng mỗi ngày những kiến thức mà họ cũng không nắm chắc hoặc vô ích. Và rồi, người khác phải trả tiền cho những gì họ học và tiếp tục trả tiền cho những gì họ dạy.
Không khó để nhận ra thói háo danh tràn lan hiện nay nhưng chúng ta phải thừa nhận cách xử lý nó quá khó khăn. Câu chuyện này đã "ăn" vào tầng văn hóa chung của xã hội bởi được dung dưỡng qua nhiều năm, thấm đẫm trong từng ngành nghề. Chúng ta dễ dàng cổ xúy và xưng tụng nhau trong niềm xúc cảm thiếu trách nhiệm mà không dám chỉ mặt gọi tên, tẩy chay thói háo danh rởm. Nhiều người sẵn lòng ngưỡng mộ vẻ hào nhoáng của người khác không cần lý do nhưng không dành nổi cho mình vài phút để nhìn một thầy giáo nghèo tận tụy với học sinh vùng khó.
Vậy thì trách ai? "Giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn cũng chỉ mua được một trận cười, còn bao danh hiệu rỗng tuếch khác đã và đang gây họa cho bao người.
Bình luận (0)