Hôm nay 26-3, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về các nội dung: Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của QH; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu sáng 26-3
"Thời gian không cho phép để tôi tiếp lời các vị đã phát biểu trước để khẳng định những thành tựu, những đóng góp và những dấu ấn của QH khóa XIV này. Chắc chắn chúng ta nhận thức được QH khóa XIV và có thể những nhiệm kỳ tiếp theo sẽ luôn luôn phải hướng về phía trước theo kịp với thời đại, nhưng tôi muốn nói những đỉnh cao không chỉ ở phía trước, đôi khi những đỉnh cao ở phía sau lưng mình"- ông Quốc nói.
Là người tham gia hoạt động QH khá lâu, cũng tham gia việc nghiên cứu lịch sử QH và theo dõi QH với tư cách một người làm báo, ông Dương Trung Quốc bày tỏ: Chúng ta rất tự hào về những gì chúng ta làm được, nhưng nếu chúng ta soi lại những gì các bậc tiền nhân làm được, chúng ta phải suy nghĩ!
Theo ông Dương Trung Quốc, QH khóa I được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở một nước thuộc địa phong kiến vừa giành độc lập, chúng ta đã áp dụng tất cả những tiêu chí, những giá trị đương đại, tức là hiện đại nhất.
Khi QH triệu tập, người triệu tập là vị đại biểu QH cao niên nhất là cụ Huỳnh Thúc Kháng, vị Tổng Thư ký đầu tiên cũng là người trẻ tuổi nhất của QH là nhà thơ Nguyễn Đình Thi, khi đó QH đã có một tập quán cực kỳ quan trọng là để cho người dân tiếp cận với hoạt động QH.
"Lúc đó QH họp ở Nhà hát Lớn, một thiết chế văn hóa của chế độ cũ, nhưng dành toàn bộ tầng trên cùng để cho không chỉ báo chí mà mọi người dân có quyền đến xem"- vị đại biểu đồng thời là nhà sử học nói.
ĐBQH Dương Trung Quốc phát biểu
"QH xây dựng cả một di sản, tức là nhà truyền thống và một bảo tàng rất giá trị nhưng ngay cả những người trong nghề chúng tôi cũng không được đến. Đương nhiên, chúng ta phải bảo đảm an ninh, vấn đề hết sức quan trọng, nhưng không thể vì thế mà ngăn cản người dân đến quan sát hoạt động của QH được"- ĐB Dương Trung Quốc nói và nhấn mạnh đấy là trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Đại biểu mong muốn một ngày không xa, người dân được vào đây không những tham quan mà được quan sát, theo dõi hoạt động của QH.
Vị đại biểu 75 tuổi cũng nhắc đến việc ứng dụng công nghệ vào việc bấm nút, biểu quyết. Mà biểu quyết trong Hiến pháp là công khai nhưng không bao giờ ai được biết, chính kiến của từng đại biểu QH, chúng ta chỉ có một con số vô nhân xưng, con số ấy tôi tin là rất chính xác.
"Nhưng người dân làm sao giám sát được đại biểu QH của mình chính kiến như thế nào để có thể tín nhiệm?"- ĐB Dương Trung Quốc nêu và mong muốn thời gian tới, với sự ứng dụng công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Có thể hiển thị trên ipad của đại biểu, trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với nhân dân thì người dân mới giám sát được đại biểu của mình.
"Cần nhận thức rằng mỗi thành công của Chính phủ là có vai trò của QH, nhưng mỗi một thất bại của Chính phủ hay là sai sót của Chính phủ cũng có trách nhiệm của QH..."- ĐB Dương Trung Quốc nói.
Bình luận (0)