Thêm 10 năm "rèn gươm"
Sau khi khéo léo, kiên quyết đấu tranh nhằm giữ nguyên trạng các vùng trách nhiệm lâm thời mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã xác lập vào tháng 4-1975 trong Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 (RAN 2), Việt Nam có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn, tiếp tục cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh.
Ông Trần Xuân Mùi, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (nay là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM), cho biết khoảng thời gian giữa hai Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 10 năm, đồng nghĩa với việc Việt Nam có 10 năm chuẩn bị để khôi phục FIR. Tuy nhiên, khi chuyên gia ICAO đến Việt Nam thực hiện kế hoạch khảo sát thực trạng ngành hàng không đã nhận thấy lĩnh vực nào cũng đều yếu kém và lạc hậu hơn tiêu chí của ICAO về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ…
Trong trận chiến "buộc phải thắng" để giành lại quyền quản lý, điều hành FIR Hồ Chí Minh này, Nhà nước ta đã quyết định cho phép Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam được sử dụng 3 năm tiền thu phí các chuyến bay quá cảnh để mua sắm thiết bị đầu tư cho các công trình FIR, xây dựng cơ bản, thông tin radar, tìm kiếm cứu nạn...
Đoàn công tác Tổng Cục HKDD Việt Nam sang thăm Cộng hòa Pháp, khảo sát mua thiết bị cho công trình FIR Hồ Chí Minh - Ảnh: VATM
Đến năm 1990, Tổng cục HKDD Việt Nam đã tổ chức thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng trong 6 lĩnh vực mà ICAO yêu cầu; đã trình Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Công ty Quản lý bay Việt Nam thống nhất cung cấp các dịch vụ kiểm soát đường dài trên phạm vi cả nước; ban hành hệ thống các văn bản quản lý như quy tắc không lưu hàng không, điều lệ thông tin hàng không, điều lệ công tác khí tượng hàng không, điều lệ công tác tìm kiếm cứu nguy; tập trung đào tạo kiểm soát viên không lưu và xây dựng các cơ sở quản lý bay,…
Trước khi hội nghị mang tính quyết định - Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RAN-3) khai mạc, để khẳng định với ICAO và các nước tham gia Hội nghị rằng Việt Nam có đủ khả năng để tiếp nhận và điều hành FIR Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã đồng ý cho phép Cục HKDD Việt Nam đầu tư 5 trạm radar giám sát hàng không để đầu tư hệ thống radar cho FIR Hồ Chí Minh.
Ngày 12-3-1993, Công ty Quản lý bay đã ký Hợp đồng mua 5 trạm radar của hãng Thomsơn-CSF của Cộng hòa Pháp. Trước khi ký hợp đồng, ông Mùi yêu cầu hãng này thực hiện 2 nội dung gồm mời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam tham dự đồng thời Tổng Cục trưởng Hàng không Pháp tham dự và phát biểu tại hội nghị với nội dung: "Việt Nam đã mua 5 tổ hợp radar giám sát hàng không hiện đại nhất thế giới để quản lý FIR Hồ Chí Minh".
"Trận chiến" quyết định
Hội nghị Không vận RAN-3 được tổ chức tại tại Bangkok - Thái Lan từ ngày 19-4 đến ngày 7-5-1993 với sự tham dự của 40 đoàn đại biểu đại diện cho các quốc gia và vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế.
Các đại biểu tham dự Hội nghị RAN 3 - Ảnh: VATM
Hội nghị không vận khu vực 10 năm tổ chức một lần, nên đề cập đến rất nhiều nội dung, nhưng tập trung tranh luận sôi nổi nhất vẫn là "không vận trên vùng biển Đông". Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã tuyên bố: 6 lĩnh vực mà ICAO yêu cầu Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ và đảm bảo chất lượng quốc tế. Đoàn Việt Nam đề nghị ICAO xóa bỏ vùng trách nhiệm tạm thời (AOR) của FIR Hồ Chí Minh đã xác lập từ năm 1975.
Là một trong các thành viên chính thức của đoàn Việt Nam tham dự RAN 3 năm 1993, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), cho biết trong vòng 1 tháng diễn ra hội nghị, tại phiên họp mỗi ngày được ví như từng "trận đánh" cả về ngoại giao lẫn yếu tố chuyên môn kỹ thuật để giành lại quyền quản lý, điều hành FIR Hồ Chí Minh.
Ông Dũng rất ấn tượng với bà Tôn Nữ Thị Ninh, dù là người không có trong phương án đi ban đầu và chỉ được Bộ Ngoại giao tiến cử người giữ vai trò là phiên dịch của đoàn song bà đã học rất nhanh những kiến thức chuyên ngành hàng không đồng thời sử dụng sức mạnh ngôn ngữ để mang đến những lợi thế đáng kể cho đoàn Việt Nam trong quá trình đàm phán.
Các thành viên đoàn Việt Nam tại Hội nghị RAN 3 - Ảnh: VATM
Sau mỗi phiên họp, bộ phận thư ký đều tổng hợp thành biên bản, có những lúc, một vài câu chữ bị cài cắm vào biên bản, gây bất lợi cho Việt Nam . Xem xét kỹ biên bản phiên họp, khi thấy điểm bất thường, bà Tôn Nữ Thị Ninh viện lý do nghe không rõ, yêu cầu bộ phận thư ký đọc đi đọc lại những câu chữ "có vấn đề." Khi đã nghe rõ mồn một, họ đã ngay lập tức có ý kiến trong hội nghị yêu cầu sửa lại cho đúng, chưa cần phía Việt Nam phải lên tiếng.
Trước tinh thần đấu tranh kiên trì và mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường nguyên tắc, vừa tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế và của Việt Nam, cùng với sự linh hoạt, cương quyết trong đàm phán của đoàn Việt Nam cuối cùng Hội nghị RAN-3 đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn tại phiên họp thứ 9, kỳ họp thứ 140 ngày 24-11-1993: "Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO,…"
Kể từ khi tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, Quản lý bay Việt Nam đã cung cấp các dịch vụ không lưu bảo đảm an toàn, điều hòa, hiệu quả cho hàng triệu chuyến bay qua vùng trời không phận biển Đông, đặc biệt đảm bảo an toàn cho các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hiệu quả kinh tế đem lại cho đất nước từ việc cung cấp các dịch vụ thông báo bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh tăng lên đáng kể. 25 năm qua, Tổng thu điều hành bay của VATM đạt trên 57 ngàn tỉ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 30 ngàn tỉ đồng.
Khánh thành Cụm Thông tin - Giám sát ADS- B/VHF/VSAT trên đảo Trường Sa Lớn
Bên cạnh đó, công tác quản lý điều hành bay trong vùng FIR Hồ Chí Minh của Quản lý bay Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với an ninh quốc phòng, bảo vệ vùng trời trên biển Đông của Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời gian qua các đường bay tại khu vực điểm nóng trên biển Đông đều được điều hành an toàn, hiệu quả. Ngành Quản lý bay đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đảm bảo an toàn cho các chuyến bay làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, thực hiện thủ tục thông báo hàng không dân dụng quốc tế và các hoạt động có liên quan trên quần đảo này.
Năm 2013, VATM đã đưa vào khai thác hệ thống Giám sát tự động phụ thuộc ADS-B tại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động điều hành bay tại khu vực quần đảo Trường Sa. Công trình này đánh dấu sự có mặt lần đầu tiên của Hàng không dân dụng Việt Nam trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cuối năm 2015, hai trạm liên lạc VHF thoại không - địa tầm xa, hệ thống truyền dẫn vệ tinh VSAT cũng được đưa vào khai thác đã góp phần hoàn thiện vững chắc tầm phủ sóng thông tin liên lạc thoại giữa người lái và Kiểm soát viên không lưu thông qua hệ thống VHF cho toàn bộ FIR Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)