Từ ngày 2-11-1999, cả vùng Quảng Phước (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mênh mông nước. Người dân lo lắng nên từ sớm đã đến tá túc ở trụ sở UBND xã Quảng Phước vừa xây dựng khang trang.
Tìm dây buộc tay nhau
Bà Bùi Thị Trang (53 tuổi; ngụ thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước) vừa sinh đứa con thứ ba tròn 2 ngày. Sau này, cô bé ấy được đặt tên là Hồ Thị Hồng Thủy như muốn nhắc nhớ đến cơn "đại hồng thủy" 1999.
Nhà bà Trang lúc ấy ở xóm Đường Quan, cạnh cầu Bộ Phi (thôn Thủ Lễ 2) bắc qua con kênh lớn nối thị trấn Sịa với xã Quảng Phước. Vào trưa 2-11-1999, nước từ dưới cầu Bộ Phi dâng mỗi lúc một cao, mưa trên trời đổ xuống như trút, cả vùng nhanh chóng bị ngập. Hai đứa con đầu đã vào nhà nội trú ngụ, bà Trang cùng đứa con út còn đỏ hỏn nhanh chóng lên đò cùng gia đình ông Phan Dũng cạnh nhà, qua trụ sở UBND xã tá túc. Nhà bà chỉ còn người chồng ở lại trông coi đồ đạc.
"Mẹ con tôi cùng 6 người nhà ông Dũng tới trụ sở xã khi nước đã ngập tầng 1 nên được đưa lên hội trường tầng 2. Khi đó, ai cũng nghĩ sẽ đi một đêm rồi về nên chẳng mang áo quần theo" - bà Trang nhớ lại.
62 người - bao gồm người già, trẻ nhỏ - yên tâm trú ngụ ở đây chờ lũ rút. Nhưng sập tối, nước lên nhanh, gió to khiến cửa rớt từng mảnh. "Thầy Quang dạy cấp 2 ở gần nhà tôi nói nước kiểu ni nhà dễ sập. Tôi bảo ông ấy ăn nói bậy bạ" - bà Trang kể.
Mưa càng lúc càng lớn, nước dâng cao, gió đập cong tất cả các cửa sắt. Chừng 23 giờ, nước lũ đã xé toạc một đoạn đê từ khu vực cầu Bộ Phi bên sông Sịa, chảy căng ngang qua đường làm xói móng trụ sở ủy ban.
Căn nhà 2 tầng bắt đầu nghiêng. Mọi người đều tập trung đứng ở khu vực sân khấu rồi đồng thanh hô to giữa đêm khuya: "Cứu chúng tôi với! Nhà sắp sập rồi!". Dù mọi người đã khản cả cổ nhưng chẳng thấy ai đến cứu. "Chúng tôi đi tìm dây, vải, áo quần... rồi buộc tay nhau theo từng gia đình để khi chết không bị lạc. Nhiều người đã thực hiện việc này trong tiếng khóc" - bà Trang hồi tưởng.
Ông Phan Gia Quang cùng bà Bùi Thị Trang ôn lại kỷ niệm 20 năm trước
Liều mình cứu người
Vào năm đó, ông Phan Gia Quang (53 tuổi) vừa lập gia đình, sống chung nhà cha mẹ cách trụ sở UBND xã Quảng Phước chừng 100 m. Cả gia đình ông ngồi trên chạn (gác nhà gần mái ngói), dù mưa to gió lớn nhưng vẫn nghe rõ tiếng kêu cứu của mọi người. Nước chảy xiết, gió to, mưa lớn không nhìn thấy gì, chiếc ghe nhà mình lại nhỏ thì làm sao cứu người? Biết là nguy hiểm nhưng chàng thanh niên quen nghiệp sông nước vẫn quyết định cố gắng cứu người trước lúc quá muộn.
Ông Quang lên ghe nhỏ rồi lần theo sợi dây điện qua căn nhà có 62 người trú ngụ. Ghe ông cập trụ sở xã khi nước lũ đã nhấn chìm tầng 1 căn nhà. "Khi mạn ghe chạm tầng 2 trụ sở xã, chúng tôi phải rất vất vả mới giữ được nó không bị chao đảo. Mọi người dặn nhau phải thật bình tĩnh thì xuống ghe mới an toàn. Dù đứng trước nguy hiểm nhưng họ vẫn ý thức ưu tiên phụ nữ và trẻ em" - ông Quang nhớ lại.
Vốn làm nghề sông nước nên việc di chuyển thuyền trên sông với ông Quang khá đơn giản. Tuy nhiên, do dòng nước chảy xiết giữa đêm khuya nên ông cần thêm sự giúp đỡ của ông Phan Dũng, người bị mắc kẹt ở trụ sở xã. Hai ông đứng ở hai đầu mạn thuyền, lần theo dây điện, vừa đi vừa dò đường mới có thể nhích từng chút.
Do ghe nhỏ nên mỗi chuyến, ông Quang và ông Dũng chỉ cứu được 2 người. Sau khi đưa 8 cháu bé đến chỗ an toàn, họ quay lại để chuẩn bị thực hiện chuyến thứ 5 thì ghe chìm. "Chiếc ghe nhỏ vừa nghiêng xuống nước liền bị cơn lũ nhận chìm, cuốn trôi. Tôi rơi xuống dòng nước lũ, cứ nghĩ mình sẽ chết" - ông Quang cho biết.
Đúng lúc đó, ông Nguyễn Tài , bạn cùng làng của ông Quang, đã điều khiển chiếc ghe công suất lớn đến ứng cứu. Ông Quang nhanh chóng được vớt lên. Ngay lập tức, ông Quang cùng ông Tài lại đưa ghe đến cứu những người còn mắc kẹt ở trụ sở UBND xã.
Đứng trước lằn ranh sinh - tử, bà Trang quyết định giao đứa con sơ sinh cho ông Quang ngay chuyến ứng cứu đầu tiên, hy vọng đứa bé có cơ hội sống sót. "Ra khỏi nhà chẳng mang áo quần nên khi xuống ghe, tôi phải dùng tấm ni-lông che cho con, khui một lỗ đằng mũi để cháu thở. Cả đêm lạnh buốt nên người cháu đã bị tím tái" - bà Trang nhớ lại.
Sau khi những đứa trẻ được cứu, bà Trang được ông Tài và ông Quang chở đến Hợp tác xã Đông Phước để gặp lại con...
Cuộc giải cứu 62 người kết thúc vào lúc 5 giờ hôm sau. Khi trời vừa sáng, trụ sở UBND xã Quảng Phước đổ sập xuống dòng nước lũ trước sự kinh hoàng của người dân.
Để tri ân hành động ấy, Trung ương Đoàn đã quyết định trao tặng ông Phan Gia Quang và ông Nguyễn Tài bằng khen và huy hiệu Tuổi trẻ Dũng cảm. Còn người dân Thủ Lễ 2 thì luôn nhớ mãi sự dũng cảm của 2 chàng thanh niên đã cứu họ thoát khỏi cái chết.
Bình luận (0)