xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trận lụt dị thường cướp đi sinh mạng hàng trăm người miền Trung

QUANG NHẬT

Cơn "đại hồng thủy" tháng 11-1999 đã cướp đi sinh mạng của 595 người ở miền Trung. 20 năm sau, nỗi đau vẫn còn hiện diện trong từng mái nhà và những bài học về phòng chống thiên tai chưa bao giờ cũ

Những ngày này, miền Trung hứng chịu nhiều cơn bão liên tiếp với sức gió giật cấp 11, 12. Còn tại Huế 20 năm trước, trời chỉ đầy mây và mưa nhẹ. Cái thời tiết đặc trưng của miền Trung vào mùa này trong năm đã “đánh lừa” con người để rồi hàng trăm sinh mạng ra đi vĩnh viễn.

Nhiều điểm bất thường

Sáng 2-11-1999, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Mễ, cảm thấy bứt rứt không yên. Linh tính mách bảo về một trận lũ lớn nên từ sớm, ông đã gọi tài xế của UBND tỉnh đến nhà đón tới cơ quan làm việc.

Ông bước vội ra khỏi nhà, chỉ kịp mang theo một điện thoại cầm tay sắp hết pin, trong khi trong nhà đã cạn lương thực. Trên đường đi, ông đã nhờ tài xế tấp vào quán tạp hóa ven đường mua thùng mì tôm để lát quay lại đưa cho gia đình tạm trữ.

Trận lụt dị thường cướp đi sinh mạng hàng trăm người miền Trung - Ảnh 1.

TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lúc 9 giờ ngày 2-11-1999

Nhưng, người tính không bằng trời tính. Xe vừa cập sân trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trên đường Lê Lợi (TP Huế), ông vội vào phòng làm việc, tài xế vừa ra khỏi cổng thì nước từ thượng nguồn sông Hương đổ về như thác. Đường Lê Lợi trong phút chốc bị ngập, xe không chạy được. Ít phút sau, tầng 1 trụ sở làm việc của UBND tỉnh đã bị vô hiệu hóa. Trong sân, xác trâu bò trôi lềnh bềnh.

Mọi con đường đều bị nước lũ nhấn chìm. Ngay cả lãnh đạo, cán bộ, nhân viên UBND tỉnh cũng không thể nào đến được công sở. Trụ sở UBND tỉnh lúc này chỉ có ông Mễ, nhân viên lái xe và một vài cán bộ văn phòng. "Tôi chỉ đạo anh em đưa máy phát điện lên và thành lập ngay sở chỉ huy tạm thời với phương án như chiến tranh" - ông Mễ kể lại.

Ông Mễ yêu cầu một cán bộ tên Khiêm và ông Phan Văn Tuấn (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) tìm ghe đi kiểm tra tình hình lũ lụt để về báo cáo. Một người dân đã chở 2 người này đi nhưng mới ra đến đường Hà Nội thì chiếc đò bị lật úp, người lái đò bơi vào được trong khi cán bộ tên Khiêm phải leo lên trụ điện chờ gần 1 giờ mới được cứu hộ. Còn ông Tuấn bị nước cuốn trôi về tới khách sạn Thuận Hóa trên đường Nguyễn Tri Phương (cách đó hơn 1 km) và được nhân viên khách sạn quăng dây xuống kéo lên tầng 2.

Vỡ kịch bản ứng phó

Tại "sở chỉ huy", điện thoại reo liên tục. Một thầy giáo ở Trường THCS Hương Thọ (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) gọi tới thông báo các thầy giáo và 57 học sinh bị kẹt trên mái nhà lớp học. Tiếp đó là những cuộc điện thoại thông báo tình trạng ở Nhà máy Xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều, TP Huế) có người cần cấp cứu; tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) có giáo viên bị nước lũ cuốn trôi; ở Bệnh viện huyện Quảng Điền có ca sinh khó, toàn bộ bệnh viện bị ngập.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đậu trước chợ Đông Ba đứt neo trôi về sông Đông Ba rất nguy hiểm, cần huy động tàu cá kéo vào. Đường lên A Lưới bị cắt đứt. Đường sắt bị cuốn trôi nhiều đoạn, đèo Mũi Né (huyện Phú Lộc) sạt lở lấp hầm đường sắt, một xóm nhỏ ở dưới chân đèo cũng bị vùi lấp. Đường đèo Hải Vân bị núi sạt gây ách tắc. Tại huyện Phong Điền, lũ cuốn khiến nhiều người chết, những ngôi làng chìm nghỉm trong nước...

Trận lụt dị thường cướp đi sinh mạng hàng trăm người miền Trung - Ảnh 2.

Hình ảnh tan hoang ở bãi biển Thuận An, huyện Phú Vang. (Ảnh do Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cung cấp)

Ông Mễ yêu cầu lực lượng công an tức tốc triển khai phương án ứng cứu nhưng mọi hướng đều bị phong tỏa. Canô của cảnh sát đậu ở gần nhà hàng nổi sông Hương nhưng không thể lên thượng nguồn vì nước dâng chạm thành cầu Trường Tiền. Nước lũ lên quá nhanh, hệ thống điện toàn TP Huế từ sáng 2-11-1999 đã bị tê liệt. Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cố gắng cầm cự nhưng đến khoảng 11 giờ cũng tắt ngóm. Đến hơn 12 giờ mới khắc phục được.

"Tôi chỉ đạo ngay lực lượng công an phải tìm một chiếc xe reo (loại xe cẩu thường dùng trong khai thác rừng - PV) cẩu canô vượt cầu để đi kiểm tra. Nhưng khi đi tới Thủy Biều thì không thể đi được nữa vì nước đổ về quá dữ. Chúng tôi rất lo vì không thể bao quát được tình hình lũ lụt, thiệt hại như thế nào. Mọi kịch bản ứng phó với lũ lụt đã "vỡ" ngay phút đầu tiên, tôi chỉ còn cách cầu mong người dân tự ứng cứu để sống sót" - ông Mễ hồi tưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điện cho ông Đoàn Mạnh Giao (lúc đó là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) để cầu cứu Chính phủ chi viện, tăng cường người và phương tiện vào hỗ trợ. Dù tìm đủ cách nhưng các đoàn đều phải chờ nhiều ngày sau mới tới được Huế.

Sự dị thường của trận lụt ở Thừa Thiên - Huế năm 1999 là tập hợp của những trận lụt trước đó như: cùng lúc có 5 cửa biển, trong đó có cửa mới Hòa Duân; nước lên khá nhanh khi 1 giờ lên 1 m; lần đầu tiên lũ bùn lấp hầm đường sắt số 7 ở đèo Mũi Né (huyện Phú Lộc), tắc đường đèo Hải Vân; nước lũ đẩy cả một ngọn đồi và cây cối trôi theo dọc Quốc lộ 49, tại xã Phú Vinh (huyện A Lưới)...; nội tạng gia súc treo lủng lẳng trên ngọn cây sau khi nước rút; cỏ rác mắc trên đường dây điện cao thế, người dân phải dọn bùn trên mái nhà thay vì dưới nền. 

Mưa cực điểm

Ông Võ Tiến Kim, dự báo viên chính Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong ngày đầu tháng 11-1999, mưa lớn bắt đầu xảy ra tập trung ở vùng núi Nam Đông và A Lưới với lượng mưa 150-250 mm/24 giờ. Từ ngày 2-11, tâm mưa lớn chuyển về vùng đồng bằng và vùng núi A Lưới - Tà Lương với lượng mưa cực lớn, từ 700-900 mm/24 giờ. Trong ngày 3-11, mưa lớn chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng và đến ngày 5-11 thì giảm dần.

Theo thống kê thiệt hại, cơn "đại hồng thủy 1999" đã làm ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung, 595 người chết (Thừa Thiên - Huế: 352 người, Quảng Nam: 73 người), 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tổng thiệt hại hơn 3.773 tỉ đồng, riêng Thừa Thiên - Huế trên 1.700 tỉ đồng (thời điểm 1999).

Kỳ tới: Đêm định mệnh của làng Eo

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo