Ngày 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và 63 tỉnh, thành về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Mỗi tháng qua đi, cả chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa
Trước thềm hội nghị này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội DN (bao gồm các hiệp hội trong nước, hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, các liên minh hợp tác xã) và DN cả nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm, trên 85.000 DN, chiếm hơn 10% số DN cả nước, rút khỏi thị trường; trung bình mỗi tháng trên 10.000 DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số DN còn hoạt động. DN ngành gỗ có trên 50% số DN tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.
Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng; công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%. DN các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động chỉ có từ 15%-20%, còn lại đến 80%-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất.
Trung bình 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Cứ khoảng 10 DN thì có 9 DN phải chấp nhận cho người lao động thôi việc. Tình trạng này phổ biến nhất ở các tỉnh, TP Đông Nam Bộ, ĐBSCL và duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92%.
Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của DN Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội cho thấy một DN điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng.
Chủ tịch VCCI đề xuất 2 chủ trương tháo gỡ. Thứ nhất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của DN; nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp. Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế. Do vậy, cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng mở cửa không có nghĩa là chủ quan, là mất an toàn. Vì Việt Nam thấy đã an toàn và có cơ sở để duy trì và nâng cao hơn nữa sự an toàn này nên mới đặt vấn đề mở cửa. Ông Lộc đề xuất "Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" phải quy định rõ nguyên tắc nền tảng mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép "đẻ" thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Các địa phương phải vừa bảo đảm phòng chống được dịch bệnh vừa cố gắng duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong điều kiện có thể, để lo sinh kế cho dân.
Khẩn trương hướng dẫn điều kiện sản xuất an toàn
Tại hội nghị, đại diện DN đề nghị phải đưa ra các giải pháp cho "dòng máu" giao thông chảy xuyên suốt từ cấp tỉnh, thành phố và địa phương. Nếu TP HCM mở cửa, các địa phương khác không mở cửa cũng không giải quyết được vấn đề. Các nhà máy khu vực ĐBSCL, 80% DN có cán bộ quản lý ở TP HCM. Vì vậy, mở cửa dưới ĐBSCL mà không có lãnh đạo quản trị điều hành thì cũng bằng không.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết qua phản ánh của cộng đồng DN, việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ. Đặc biệt, các DN tiếp tục kiến nghị khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định một số địa phương còn có hiện tượng ùn tắc lưu thông hàng hóa cục bộ do quy định chưa phù hợp, dẫn đến tăng chi phí rất lớn cho DN. Bộ đã có công điện chấn chỉnh và liên tục theo dõi tình hình; đề nghị phải xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương nếu ban hành các quy định về lưu thông hàng hóa trái quy định chung.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, cũng là an toàn cho cả nền kinh tế".
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải tránh 2 khuynh hướng: chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan.
Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ "mở cửa" rồi lại "đóng cửa" ngay. Một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước, song hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn.
Thủ tướng khẳng định cải cách và hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Người dân và DN là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và DN; người dân và DN tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó.
Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số. Thủ tướng cũng nêu ra một số lĩnh vực đang rất cần đẩy mạnh hợp tác công tư như: đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế… "Những gì người dân, DN làm được, làm tốt hơn thì nhà nước không làm" - Thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan dứt khoát phải quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân. Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, lấy ý kiến của DN để thực hiện hiệu quả hơn.
Đề nghị gói hỗ trợ lên đến 250.000 tỉ đồng
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị trong cơ cấu Ban Chỉ đạo phòng chống Covid -19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN. VCCI đề nghị Chính phủ ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19... với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm "sống chung lâu dài với dịch bệnh".
VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn.
VCCI cũng đề xuất các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. Các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)