Một trong những chính sách được các doanh nghiệp (DN) mong mỏi nhất lúc này là sớm được tiếp tục cơ cấu lại khoản nợ, giãn nợ và không chuyển nhóm nợ để có thể được tiếp tục vay vốn mới duy trì hoạt động. DN có sống được thì nền kinh tế mới khỏe, ngân hàng cũng không lo nợ xấu tăng...
"Chẩn bệnh" để "bốc thuốc" chính xác
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ gặp DN vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các số liệu thống kê mới đây cho thấy sức chống chịu của khu vực DN tiếp tục suy giảm. Trong đó, riêng ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt từ tháng 4-2021 trở lại đây, doanh thu ngành hàng không sụt giảm mạnh.
Trên thực tế, doanh thu sụt giảm mạnh dẫn đến dòng tiền của các DN bị thiếu hụt nghiêm trọng trong khi các khoản chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh như chi phí cho người lao động (trả lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp), tiền thuê mặt bằng, tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải đóng đủ.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của TP HCM nhưng lại chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của đại dịch. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để hỗ trợ DN, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01, sau đó là Thông tư 03 (sửa đổi Thông tư 01) về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng cá nhân và DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đáp ứng một trong các điều kiện là số dư của khoản nợ phát sinh từ ngày 23-1-2020 và quá hạn trước ngày 17-5-2021...
Như vậy, toàn bộ các khoản vay của DN hiện vẫn còn dư nợ từ tháng 6 đến nay được ngân hàng thương mại "treo" lại. Cả DN lẫn ngân hàng đều đang ngóng thông tư sửa đổi mới để tiếp tục được cơ cấu lại nợ trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN vẫn tiếp tục "đóng băng".
DN bị đứt gãy dòng tiền, tê liệt hoạt động vì dịch ai cũng nhìn thấy nhưng bao giờ thì quy định mới cập nhật tình hình thực tế của Ngân hàng Nhà nước được ban hành để hỗ trợ cả DN và ngân hàng thương mại? Bệnh đã rõ, làm sao bốc đúng thuốc và áp dụng ngay mới là vấn đề. Bởi các ngân hàng đều hiểu hỗ trợ để khách hàng sống được cũng là "tự cứu" mình. Nếu DN khó khăn thì khoản vay sẽ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng hệ thống ngân hàng và nền kinh tế trong tương lai.
Do đó, bài toán lúc này là cả DN và ngân hàng cùng chờ chính sách mới từ cơ quan quản lý, mà nếu không nhanh có thể kéo theo hệ lụy cho cả nền kinh tế. "Thời gian vàng" để ban hành chính sách hỗ trợ DN, cùng nhìn vào lợi ích chung để chính sách lan tỏa nhanh chóng đến xã hội, DN và cả nền kinh tế cũng được lợi.
Hỗ trợ nhanh để doanh nghiệp sớm trở lại
TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn chiếm khoảng 11% GRDP trên địa bàn. Nhìn ở góc độ cả nước, du lịch, công nghệ thông tin và nông nghiệp là những ngành kinh tế mũi nhọn được Bộ Chính trị xác định thời gian qua.
Du lịch, hàng không là 2 trong những ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất của đại dịch. DN nào có "bệnh" nặng nhất cần sớm được chữa trị, cần chính sách kịp thời để cứu. Không phải ngẫu nhiên du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, mà do những đóng góp tích cực, hiệu quả của ngành đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và cả nước. Do đó, trong lúc khó khăn nhất, kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời, nhất là về tài chính để các DN du lịch có khả năng sống sót và trở lại sau khi dịch được khống chế...
Sở Du lịch TP HCM từng đề xuất UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho DN du lịch (không phân biệt DN lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động. Đến bây giờ, các DN vẫn ngóng chính sách này.
Trong nhiều chính sách hỗ trợ, các DN kỳ vọng nhất là Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 cho phép DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến giữa năm 2022, khi lộ trình tiêm vắc-xin của nhà nước sẽ phủ được khoảng 70%-80% dân số, đủ điều kiện mở cửa trở lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trở lại và vắc-xin tiêm đủ để đạt miễn dịch cộng đồng, ngành dịch vụ, trong đó có du lịch và hàng không, sẽ trở lại nhanh nhất, kéo theo đó là công nghiệp, dịch vụ đi lên... Du lịch, hàng không trở lại, ngân sách cũng có nguồn thu trở lại. Vì vậy, chính sách lúc này là "cấp cứu" kịp thời để DN sống được, có cơ hội phục hồi và phát triển trong tương lai.
Bình luận (0)