Ngày 27-11, với 431/468 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 87,25% tổng số ĐBQH), QH đã chính thức thông qua Luật Căn cước.
Bỏ quê quán, vân tay
Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân (CCCD) sang Luật Căn cước, gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực từ 1-7-2024, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.
Theo đó, người được cấp thẻ căn cước bao gồm công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp căn cước theo nhu cầu.
Luật Căn cước vừa được thông qua quy định các trường thông tin thay đổi thể hiện trên thẻ căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Như vậy, so với Luật CCCD năm 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ, không cần thể hiện trên căn cước.
Thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học (gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp...). Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 46 Luật Căn cước quy định về chuyển tiếp, quy định rõ: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Trường hợp CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024. Quy định về việc sử dụng CCCD, CMND trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của luật này.
Về đề nghị cân nhắc việc sử dụng mã QR và chip điện tử trên thẻ căn cước vì liên quan đến tính bảo mật của thông tin, tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng mã QR trên thẻ căn cước chỉ cho phép khai thác những thông tin in trên thẻ, để công dân thực hiện một số giao dịch có liên quan. Chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực sinh trắc học. Chủ thẻ phải đồng ý bằng phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt thì dữ liệu trong chip mới có thể được đọc và truy xuất. Nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng cho tất cả người không quốc tịch đang cư trú tại Việt Nam nhằm quản lý hiệu quả và tạo điều kiện cho họ tham gia các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, UBTVQH cho biết người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm nhiều thành phần. Trong đó có cả người nước ngoài cố tình giấu quốc tịch và ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước với đối tượng này có thể tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự, do vậy QH thống nhất không mở rộng.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự án luật quan trọngẢnh: Phạm Thắng
Quản lý chặt chung cư mini
Cùng ngày, QH đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Về quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định như vậy, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên giao với dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng phương án nào cũng có ưu điểm, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.
UBTVQH tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động...
Nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nguồn tài chính Công đoàn; giới hạn phạm vi thực hiện (tập trung đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, không đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân) để nâng cao tính khả thi.
Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (chung cư mini) trong điều 57 dự thảo luật, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng quá chặt chẽ, khó khả thi.
UBTVQH cho rằng thực tế phát triển chung cư mini vừa qua tại nhiều địa phương bị buông lỏng, không xử lý kịp thời các sai phạm. Việc này dẫn tới hệ lụy về nguy cơ cháy, nổ, cũng như gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.
Để khắc phục tồn tại, điều 57 sau tiếp thu ý kiến, các đại biểu đưa ra quy định siết quản lý về đầu tư, xây chung cư mini nhưng vẫn có các điều khoản bảo đảm nhu cầu, nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp. Cụ thể, cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có các căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (sổ hồng) sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.
Cùng ngày, QH đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Hôm nay, 28-11, QH biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…
Băn khoăn quy định cắt điện ở công trình vi phạm
Cùng ngày, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), một trong các vấn đề gây tranh luận nhiều là việc đề xuất cắt điện, nước như một biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) băn khoăn khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi năm 2020 đã không coi biện pháp cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế dù khi đó nhiều cơ quan, bộ, ngành đề xuất. Theo ông, luật không thừa nhận là hợp lý, vì việc cắt điện, nước gây ảnh hưởng quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến cuộc sống của người không vi phạm hành chính, biện pháp này là không nhân văn. Ví dụ, cắt điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư nhưng những người dân sống trong chung cư lại bị ảnh hưởng.
Tranh luận với ĐB đoàn Trà Vinh, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quy định tại dự thảo luật chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực như đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy chứ không phải áp dụng cho tất cả. Thứ nữa, việc cắt điện, nước chỉ được áp dụng khi đã bị lập biên bản và xử phạt hành chính rồi nhưng các cơ sở vẫn không khắc phục và tiếp diễn các vi phạm. Việc quy định cắt điện, nước như biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính tại thủ đô là cần thiết vì Hà Nội có yêu cầu rất cao trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này, cần chú ý không làm ảnh hưởng đến cư dân xung quanh, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Bình luận (0)