xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN

Đại tá Trần Thế Tuyển - Nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM

Tôi trở lại Trường Sơn lần này với tâm thế khác, không còn ở vị trí một trong những người tổ chức Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" của Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tổng Biên tập tạp chí Nông Thôn Việt, nhà báo Nguyễn Đức, người đề xuất chương trình này nói với tôi: "Mời anh dự lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ Trường Sơn tại trọng điểm ATP với hai lẽ. Thứ nhất, anh là người trong cuộc. Thứ 2, anh là tác giả đôi câu đối đã được chọn khắc lên chuông đồng đặt tại đền thờ".

HANG TÁM CÔ VÀ NHIỀU ĐIỀU CHƯA THỂ LÝ GIẢI

Lần nào trở lại đường 20 Quyết Thắng để lên trọng điểm Cà Roòng - ATP, chúng tôi cũng đều đến thắp hương tại đền thờ Tám Cô.

Địa danh "Hang Tám Cô" dường như ai cũng đã nghe, đã biết. Nhưng chỉ có những người trực tiếp đặt chân đến đây mới hiểu hết sự linh thiêng, bí ẩn của mảnh đất đặc biệt này.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào một đêm đông giá buốt, mưa dầm từ bến phà Xuân Sơn cạnh khu di tích quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chúng tôi hành quân dọc đường 20 Quyết Thắng lên Làng Ho, trạm 5 giao liên để mở đầu cho cuộc hành quân bộ dằng dặc suốt 4 tháng trời vượt Trường Sơn vào Nam Bộ.

Lúc ấy, chưa có sự kiện "Hang Tám Cô". Phải đến cái đêm định mệnh giữa tháng 11-1972 khi Mỹ ném bom hủy diệt đoạn đường huyết mạch này mới diễn ra thảm cảnh đau lòng ấy. Tám thanh niên xung phong (TNXP) bị bom lấp cửa hang. Biết đồng đội "nằm" trong đó mà không có phương cách nào cứu. Sau 9 ngày đêm những tiếng kêu cứu, tiếng thở tắt dần. Tám TNXP đã "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia". Trong chiến tranh sự tổn thất, hy sinh là điều không tránh khỏi. Đất nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ, mỗi người "vị quốc vong thân" theo tư thế của riêng mình. Tám TNXP ngã xuống nơi Km số 16 đường 20 Quyết Thắng ngày ấy có "tư thế riêng".

Phải thế không mà nơi đây có những câu chuyện tâm linh thật khó lý giải. Chúng tôi đã trực tiếp ngắm nhìn cây chuối mọc trước Hang Tám Cô. Người thủ đền kể rằng cứ đến tháng 11 hằng năm, cây chuối này lại trổ bông và kết trái. Điều kỳ lạ là cây chuối có tám nải. Trái chuối nào cũng mập tròn, căng đầy sức sống...

Còn theo nhà báo Nguyễn Đức, lần nào qua đường 20 Quyết Thắng vào đồn Biên phòng Cà Roòng rồi lên trọng điểm Cà Roòng - ATP khảo sát và xây dựng đền thờ liệt sĩ, ông cũng vào Hang Tám Cô dâng hương và cầu mong các liệt nữ phù trợ để mọi sự hanh thông, cát tường.

Tôi bước vào sảnh đền dâng hương, đang khấn thì nghe bên tai mình có tiếng thì thầm: "Em chào anh ạ!". Tôi giật mình ngẩng lên thì nhận ra người cộng sự đắc lực của tôi thời còn công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng. Đó là nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động. Thắp hương xong, Tuân cho biết anh lên dự lễ khánh thành đền liệt sĩ trọng điểm Cà Roòng - ATP và trao tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" mà Báo Người Lao Động đang thực hiện.

Cuộc "tao ngộ" giữa đỉnh Trường Sơn ấy cũng là điều khó lý giải. Tôi trộm nghĩ, đây có phải sự sắp đặt của liệt sĩ để những người làm Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" cách đây hơn một thập niên hội tụ, tiếp tục cuộc hành trình nghĩa tình với những người có công với đất nước!?

TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN - Ảnh 1.

Tại lễ khánh thành Đền Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tổ chức vào ngày 24-7-2022, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao lá cờ Tổ quốc do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho Bộ đội Biên phòng tỉnh để gửi tặng các cán bộ - chiến sĩ và bà con đồng bào biên giớiẢnh: Hoàng Phúc

MƯA CÀ ROÒNG

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng nói, mùa này nơi đây buổi chiều thường có mưa. Nhưng trận mưa chiều 23-7-2022 là trận mưa kỳ lạ nhất. Khi chúng tôi đến Cà Roòng, trời đang nắng đẹp. Có người bảo, nắng như này, ra cột mốc làm lễ cầu siêu thì thuận lợi. Nhưng nhà báo Nguyễn Đức, Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt, đơn vị tổ chức, kết nối xây dựng ngôi đền này, thì bảo: không, sẽ có mưa. Phải có mưa trước khi khánh thành. Quả nhiên, khi Nguyễn Đức tháp tùng Thượng tọa Thích Thanh Phong cùng các nhà sư chùa Vĩnh Nghiêm ra cột mốc biên giới làm lễ cầu siêu tiếp rước anh linh liệt sĩ từ bên kia biên giới về đền, trời bắt đầu chuyển động. Khi hành lễ, mưa lắc rắc. Lễ xong, các nhà sư rước linh đi bộ một quãng thì lên xe về đền. Xe chưa đến đền, mưa đã ào ào trút xuống. Nguyễn Đức kể: "Xe tôi và thầy Thanh Phong đến trước sân hạ, nước từ trên đền đổ xuống các bậc thang như thác, đục ngầu. Nhưng chỉ 10 phút, khi tôi và thầy Thanh Phong đội mưa lên đền cho kịp giờ hành lễ thì nước đổ xuống đã trong veo. Đúng là trận mưa rửa đền, tắm gội cả núi rừng, điều mà con người, dù muốn, cũng không thể làm được…".

Mưa ngớt, tôi chạy thẳng lên đồi cao nơi tọa lạc ngôi đền. Đúng như Nguyễn Đức nói, mưa đã rửa đền thật. Trên diện tích 1 ha, đền thờ liệt sĩ Trường Sơn nơi trọng điểm ATP xưa như một tòa lâu đài nguy nga giữa "thâm sơn cùng cốc". Mưa đã làm trôi đi hết cát bụi. Trong nắng chiều vàng như mật ong, sau mưa, ngôi đền hiện lên đường nét huyền diệu như trong tranh. Những mảng mây như khăn voan trắng bay lững lờ tựa hồ trong cổ tích. Cách đây 4 năm, tôi có mặt trong ngày khởi công xây dựng đền. Với kinh nghiệm tổ chức, xây dựng nhiều ngôi đền thờ liệt sĩ dọc Trường Sơn, Nguyễn Đức dự tính nơi đây heo hút, vận chuyển vật liệu khó khăn nên phải thi công 2 năm mới hoàn thành. Nhưng đúng thời điểm ấy, có nhiều sự cố ngoài dự tính: tháng 10-2020 trận lũ lịch sử tràn vào miền Trung, trong đó có Bố Trạch (Quảng Bình). Lại nữa, trận "hồng thủy" Covid-19 kéo dài hơn 2 năm làm công trình thực hiện không đúng kế hoạch. Dẫu vậy, mục sở thị, tôi nhận ra nét riêng của ngôi đền thờ liệt sĩ này.

Năm 2009, Báo Sài Gòn Giải Phóng phát động Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn". Trong nhiều hạng mục công trình hướng tới tri ân đồng đội, chúng tôi nghĩ đến việc xây dựng các ngôi đền thờ liệt sĩ dọc Trường Sơn. Đền thờ không chỉ là nơi thờ cúng liệt sĩ mà sâu thẳm đó là cột mốc biên cương để lại cho muôn đời con cháu. Vì thế, dù bận bịu công việc ở "tổng hành dinh" nhưng mỗi lần Nguyễn Đức đề nghị Tổng biên tập đi khảo sát, khởi công, khánh thành đền là tôi sắp xếp "hành quân". Mỗi chuyến đi như thế, tôi phát hiện thêm ở Nguyễn Đức, một cựu chiến binh, một nhà báo có tâm và đặc biệt có năng lực biến cái tâm ấy thành hiện thực. Bắt đầu từ đền thờ liệt sĩ Bến Tắt (Quảng Trị) đến đền thờ liệt sĩ Bến phà Long Đại (Quảng Bình), đền thờ liệt sĩ Ngã ba biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum)…, Nguyễn Đức có "đức tin" và quyết liệt trong việc chọn địa điểm, chọn nhà tài trợ để thực hiện công trình.

Việc chọn trọng điểm ATP xưa để xây dựng đền liệt sĩ lần này khó khăn, trở ngại nhiều hơn trước. Nhưng Nguyễn Đức có niềm tin. Không có gì khó. Liệt sĩ sẽ giúp chúng ta giải mã. Và y như rằng...

Sáng sớm, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, tôi chạy bộ lên đền. Lúc ấy trời se lạnh, những đám mây trắng xốp bồng bềnh trôi dưới chân. Tôi thấy ngôi đền hiện ra như trong truyền thuyết. Bất ngờ tôi gặp Nguyễn Đức ở đó. Ông bảo, đêm qua không ngủ được. Nguyễn Đức nói như đinh đóng cột: "Hôm nay thời tiết tốt. Mọi sự sẽ hanh thông, cát tường, như ý".

Và, đúng như Nguyễn Đức nói, buổi lễ khánh thành đã diễn ra đẹp như mơ. Đại dịch Covid-19 chưa dứt, đường lên trọng điểm Cà Roòng - ATP xa xôi, cách trở mà có gần 1.000 người ở khắp miền đất nước về dự lễ khánh thành. Bài phát biểu của doanh nhân cựu chiến binh Dương Công Minh, con liệt sĩ, người tiến cúng 42 tỉ đồng để xây dựng ngôi đền đã lấy đi nhiều nước mắt của những người tham dự. Dương Công Minh nói trong nước mắt: "Thân xác của cha tôi, cũng như của các bác, các chú, các cô ngã xuống ở mảnh đất này, trên các trọng điểm của con đường này, đã hóa thành đất đai Tổ quốc. Và linh hồn của họ, đã hóa thành "Linh khí Quốc gia"… Do vậy, việc xây dựng ngôi đền ở nơi núi rừng hoang lạnh tận cùng biên giới này, thật sự có ý nghĩa. Ngôi đền, vừa là nơi hội tụ anh linh liệt sĩ, vừa là nơi ghi dấu mốc lãnh thổ quốc gia. Mai này, đây sẽ là địa chỉ để các thế hệ con cháu chúng ta bái vọng, để nhớ về Trường Sơn huyền thoại và công lao các tiền nhân đã hy sinh để thu giang sơn về một mối… Ý nghĩa đó lớn gấp trăm, gấp ngàn lần giá trị đầu tư.

Nghe Dương Công Minh bày tỏ thế, tôi nhớ đến bài thơ ứng khẩu mà đêm qua tôi đã đọc trong đêm lửa trại với các chiến sĩ biên phòng:

"Tháng 7, mưa Cà Roòng

Nước đâu mà nhiều thế

Như "mưa rừng bão bể"

Sấm rền trời, nước giăng.

Mưa ơi, có biết không?

Liệt sĩ về tụ hội

Câu hát trong bom dội

Nghe âm vang Trường Sơn…"

TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN - Ảnh 2.

Quang cảnh lễ khánh thành Đền Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường SơnẢnh: Tô Nguyễn

BUỔI TỐI TRƯỚC NGÀY GẶP CHỦ TỊCH NƯỚC

Rời Bố Trạch, tôi ra thẳng Đồng Hới bay về Hà Nội. Theo kế hoạch, ngày mai chúng tôi - đại diện các Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ có cuộc diện kiến Chủ tịch nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. Theo phân công của Ban Tổ chức, tôi sẽ thay mặt Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM phát biểu.

Đêm ấy, tôi không thể nào ngủ được. Phần vì cảm xúc chuyến trở lại Trường Sơn hôm qua gợi nhớ trong tôi biết bao kỷ niệm thời quân ngũ; phần suy nghĩ sẽ phát biểu gì với Chủ tịch nước về công việc nghĩa tình mà mình và đồng đội đang thực hiện.

Tôi mở cửa bước ra ban công khách sạn. Hà Nội về khuya yên tĩnh dưới ánh điện màu vàng như trong tranh. Như có ai vô hình tiếp sức, đầu tôi lóe lên các ý tưởng. Ngày mai, tôi sẽ báo cáo với Chủ tịch nước về những vấn đề mà chúng tôi - những chiến sĩ thiện nguyện tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ đang quan tâm. Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ hoàn thành trách nhiệm trái tim với đồng đội, để trả món nợ với những người đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc.

Thứ hai, kiến nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội xem xét xác lập ngày 27-7 hằng năm là ngày quốc giỗ. Ngày 10 tháng 3 âm lịch được xác định là ngày quốc giỗ - Giỗ tổ Vua Hùng đã có công dựng nước thì ngày 27-7 là ngày quốc giỗ - giỗ những người giữ nước qua mọi thời đại. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Các vua Hùng có công dựng nước thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Một cơn gió lạnh ào tới. Tôi bước vội vào phòng. Giấc ngủ đến thật nhanh.

Chiều hôm sau, tại gian phòng ấm áp nơi tiếp khách của Chủ tịch nước, trong vòng chưa đầy 10 phút tôi đã báo cáo với Chủ tịch nước đầy đủ các kiến nghị. Thật vui, Chủ tịch nước lắng nghe chăm chú và khi phát biểu khép lại cuộc diện kiến, ông đã ghi nhận hai kiến nghị của tôi và chỉ đạo đại diện các bộ, ngành cùng dự tiếp thu đề xuất theo đúng quy định của pháp luật.

Kết thúc buổi gặp mặt, tôi tặng Chủ tịch nước tập thơ mới xuất bản - tập trường ca Mẹ. Đó là tập thơ ngợi ca, tôn vinh Mẹ Liệt sĩ. Cầm tập trường ca trong tay, Chủ tịch nước nói, các kiến nghị và tập trường ca này thể hiện trách nhiệm trái tim của những cựu chiến binh với đồng đội đã hy sinh vì đất nước. Chủ tịch nước trân trọng ghi nhận và chỉ đạo các cơ quan chức năng, xem xét thẩm định để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Sáng hôm sau, vào TP HCM, khi bay dọc miền Trung, nhìn xuống, tôi như thấy ngôi đền liệt sĩ nơi trọng điểm Cà Roòng - ATP xưa rực rỡ trong cái nắng màu mật ong và những đám mây trắng như bông bồng bềnh trôi trên đỉnh Trường Sơn - con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh huyền thoại.

TP HCM, tháng 8-2022.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo