Sáng 5-1, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã công bố kết quả đấu thầu tập trung cung cấp thuốc năm 2018 cho các cơ sở y tế với 21 thuốc kháng sinh thuộc 5 hoạt chất.
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến BHYT khu vực phía Bắc, cho biết các thuốc đấu thầu được chọn dựa trên tiêu chí: sử dụng nhiều, giá thành cao, có sự chênh lệch giá giữa các tỉnh. Kết quả, chỉ tính 15 thuốc trúng thầu, quá trình thương thảo đã giúp hạ giá thuốc hơn 21,1%, tương đương hơn 251 tỉ đồng so với giá thuốc mua năm 2017.
Chi phí đồng chi trả của người bệnh sẽ giảm mạnh sau khi giá thuốc giảm hàng trăm tỉ đồng nhờ đấu thầu tập trung
Theo ông Đức, trong số những mặt hàng được đấu thầu lần này có loại thuốc giảm giá tới 40% so với trước đó. Đáng nói, một số biệt dược gốc (thuốc độc quyền) như hoạt chất Levofloxacin 500 mg giá bình quân trước đó là 170.000 đồng/hộp trong khi giá trúng thầu tập trung quốc gia là 151.000 đồng/hộp (giảm 11,2%); hoạt chất Meropenem 500 mg giảm còn 394.717 đồng (15%); hoạt chất Meropenem 1 g có giá 803.722 đồng giảm mạnh còn 683.164 đồng (15%)... Với thuốc generic (thuốc phổ biến) mức giảm cao nhất là 54%. Chẳng hạn, hoạt chất Levofloxacin 500 mg nhóm 3 còn 22.845 đồng so với 50.403 đồng (giảm 54,7%); hoạt chất Meropenem 500 mg nhóm 1 giảm còn 93.430 đồng so với 163.281 đồng (giảm 42,8%)… Bình quân thuốc nhóm generic cũng giảm gần 34%.
Ông Đức cho biết năm 2017, chi phí của 15 thuốc được đấu thầu tại 483 cơ sở khám chữa bệnh thuộc 57 tỉnh, thành phố là hơn 1.187 tỉ đồng, trong khi kết quả đấu thầu tập trung quốc gia số tiền này giảm còn 936 tỉ đồng. Giá thuốc này sẽ được áp dụng từ năm 2018.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế BHXH Việt Nam, cho biết thêm dự kiến năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đấu thầu tập trung 9 hoạt chất thuộc 20 thuốc, trong đó chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường, tiêu hóa.
Sau khi thực hiện hiệu quả việc đấu thầu tập trung giá thuốc, năm 2018, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức đấu thầu tập trung với nhóm vật tư y tế. Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nhóm vật tư y tế được đề xuất đấu thầu tập trung quốc gia là stent sử dụng trong can thiệp bệnh mạch vành; thủy tinh thể nhân tạo trong phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể, khớp gối nhân tạo, kim luồn giữ ven khi tiêm truyền... Đây là những vật tư y tế có giá chênh lệch rất lớn khi trúng thầu vào cơ sở y tế dù cùng sản phẩm, chỉ số kỹ thuật, cùng tác dụng điều trị và nhà sản xuất.
"Cùng một loại stent nhưng giá trúng thầu cung ứng vào một bệnh viện tại Thanh Hóa lên đến hơn 100 triệu đồng, trong khi giá trúng thầu trung bình cả nước là 58 triệu đồng. Các sản phẩm này hiện đang nằm trong "dải giá" từ 16 triệu đồng/stent, đến 30 triệu đồng, thậm chí lên đến 200 triệu đồng/stent. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhóm thủy tinh thể nhân tạo. Cùng là thủy tinh thể nhưng mức giá thấp nhất là 2,3 triệu đồng/cái nhưng cao nhất lên đến 19 triệu đồng/cái. "Dải giá" quá rộng với một loại vật tư y tế gây khó khăn trong kiểm soát về giá cũng như chất lượng" - ông Sơn dẫn chứng.
Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2016, chi phí do Quỹ BHYT thanh toán cho stent lên đến 600 tỉ đồng; 400 tỉ đồng cho khớp gối nhân tạo và riêng kim luồn cũng lên đến 150 tỉ đồng.
Bình luận (0)