Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết do tác động của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Nguồn nhân lực quý giá cho địa phương
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động nhập cư ở TP HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam trở về địa phương. Một số tỉnh có số lao động trở về lớn là Thanh Hóa (160.000 người), Sóc Trăng (99.700 người), Nghệ An (75.800 người), Đắk Lắk (75.000 người), Cà Mau (58.700 người), An Giang (65.000 người), Hà Tĩnh (36.000 người), Kiên Giang (32.000 người), Hậu Giang (20.000 người)...
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng không nên xem di cư lao động là hiện tượng bất thường để tìm cách ngăn cản, dù với lý do chống dịch. Bởi khi tiếp cận vấn đề ngay từ ban đầu không chính xác, tất yếu dẫn đến nhận thức và giải pháp sai lệch, không phù hợp. Đối với các địa phương có lao động từ TP HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam trở về, cần có những khảo sát để đánh giá lại thực trạng lao động, việc làm. Bà Hương gợi mở: "Các địa phương có lao động trở về cần nhận thức đây là nguồn nhân lực quý giá cho địa phương mình. Các địa phương có thể tìm kiếm giải pháp cho thị trường lao động với những chương trình việc làm như vay vốn, dự án khởi nghiệp tại nông thôn. Việc tạo sinh kế, bố trí việc làm tại chỗ là tốt nhất.
Ông Lê Văn Thanh nhìn nhận đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội. Đó là cơ hội để doanh nghiệp sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất - kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghệ 4.0; cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh; cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, đánh giá vừa qua các địa phương đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế. Ông Hưng nhấn mạnh: "Tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp".
Còn theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, kết quả từ chính sách "tam nông" thời gian qua rất đáng ghi nhận nhưng thành quả vẫn mong manh, chưa tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. "Tỉ lệ người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên tới hơn 3 triệu người, trong đó một bộ phận không nhỏ trở về quê hương nhưng khu vực nông thôn chỉ có khả năng hấp thụ lao động chưa đến 500.000 người. Dòng lao động di cư ngược tạo ra sức ép lớn trong đời sống người dân ở quê nhà. Rõ ràng việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt trong kế hoạch tổng thể chung của cả nền kinh tế" - ông Tú Anh phân tích.
Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: CAO NGUYÊN
Nông thôn phải là nơi đáng sống
Vào tháng 7-2021, phát biểu trước Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đích đến cuối cùng của chương trình này "Nông thôn là nơi chúng ta đáng sống, nơi chúng ta đáng tìm đến và nơi chúng ta quay về".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, một trong những cái bẫy thời gian qua nằm ngay ở cái tên của chương trình là "xây dựng nông thôn mới". Điều này khiến các địa phương thiên về xây dựng hạ tầng, cầu, đường, trụ sở nhưng thiếu quan tâm tới việc tạo ra sinh kế - điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân. Do đó, cần thay đổi nhận thức, cách làm trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) góp ý cần xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Điều này cũng nhằm "chia lửa" cho Hà Nội, TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác. "Làm như vậy, chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả; để con cháu chúng ta có thể ly nông nhưng không ly hương, có việc làm và làm giàu trên quê hương mình mà không phải đổ về đô thành chật chội" - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Còn theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, những cuộc di chuyển lớn của người dân về quê thời gian gần đây được nhìn nhận như một bài toán trong chương trình phục hồi kinh tế. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là cần có giải pháp tích cực tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngay tại khu vực nông thôn.
"Đặc biệt, các đơn vị cần nghiên cứu tăng tỉ trọng hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sử dụng nhiều lao động ở vùng nông thôn để giúp người lao động "ly nông bất ly hương", ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế ngay trên quê hương mình" - ông Tân gợi ý.
Phục hồi và phát triển thị trường lao động
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH vừa ký ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Theo đó, bên cạnh việc triển khai nhiều giải pháp tổng thể, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo sở LĐ-TB-XH xây dựng phương án với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế, tạo việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, bảo đảm nguồn lao động, ngăn ngừa thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất - kinh doanh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-12
Bình luận (0)