xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN: Người "khai sinh" nghề câu mực

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Đó là cụ Lương Tiền ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Nhờ ông mà xã Tam Giang có đội tàu câu mực lớn nhất nước, ngư dân chí thú làm giàu, cùng nhau bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Đến xã Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hỏi thăm cụ Lương Tiền (ngụ thôn Đông Bình, xã Tam Giang) hầu như già trẻ lớn bé ai cũng biết. Cụ Tiền là người góp công lớn cho phát triển nghề câu mực khơi xa ở Tam Giang.

Giúp quê hương làm giàu

Cụ Tiền năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, thân hình vạm vỡ. Mấy chục năm bám biển đã tôi luyện cho cụ sự can trường. Dù đã gần 10 năm rời xa biển cả nhưng khí chất ngư dân, tình yêu biển của ông không hề phai nhạt.

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, lâu lâu cụ Tiền lại nhắc nhớ những kỷ niệm của mình với biển cả như cách một đôi bạn thân nhớ về nhau sau nhiều ngày chưa gặp lại. Cụ Tiền kể, gia đình mình có truyền thống bám biển từ bao đời nay. Cụ chẳng nhớ rõ bao nhiêu thế hệ theo nghề biển nhưng từ khi còn nhỏ, cụ đã được cha cho theo những chuyến ra khơi. Cụ Tiền luôn nhớ như in lời dặn dò trước khi qua đời của cha, rằng dù khó khăn thế nào cũng phải kiên trì bám biển, giữ ngư trường, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính lời dặn của cha đã trở thành động lực cho cụ Tiền vượt qua những khó khăn gian khổ suốt mấy chục năm trường bám biển. Giờ đây, khi rời xa biển, cụ Tiền lại đem lời dặn dò đó gửi gắm cho các thế hệ con cháu.

Cụ Tiền nhớ lại năm lên 17 tuổi, sau khi cha qua đời, cụ theo chân các ngư dân địa phương ra Đà Nẵng đi bạn. Sau gần 10 năm, cụ về quê lấy vợ, đóng con tàu nhỏ đi hành nghề lưới cá chuồn. Tuy nhiên, cụ Tiền nhận thấy nghề lưới cá chuồn chỉ sản xuất được từ đầu năm đến cuối tháng 6 âm lịch. Sau khoảng thời gian đó, dù có miệt mài đến mấy cũng khó thu được sản lượng lớn dẫn đến thu nhập bấp bênh. "Trăn trở mãi, tôi bắt đầu đóng con tàu lớn hơn, thử nghiệm nghề câu mực ở những ngư trường xa hơn. Ngờ đâu, công cuộc thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, mỗi chuyến câu mực khơi lời gấp đôi ba lần so với nghề lưới cá chuồn" - cụ Tiền nói.

Ăn nên làm ra từ nghề câu mực, cụ Tiền đóng những con tàu lớn, tìm đến những ngư trường mới. Vào khoảng những năm 1990, cụ Tiền là người sở hữu chiếc tàu câu mực lớn nhất tỉnh với công suất 55 CV, có thể chở theo 13-15 thúng chai, mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng trời.

Thấy cụ Tiền sản xuất hiệu quả, nhiều ngư dân ở xã Tam Giang học hỏi kinh nghiệm, chuyển đổi phương thức đánh bắt. Cụ Tiền cho rằng đối với nghề biển, ngoài những kỹ năng để chống chọi với sóng gió bão bùng, kinh nghiệm biết ngư trường nào có nhiều hải sản để khai thác là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của chuyến biển. Tất cả những kinh nghiệm có được sau mấy chục năm bám biển, cụ Tiền chia sẻ cho mọi người để cùng nhau làm giàu.

Từ thành công của cụ Tiền, nhiều ngư dân ở xã Tam Giang và một số xã lân cận ở huyện Núi Thành đã chuyển dần sang nghề câu mực khơi. Hiện nay, Tam Giang có đội tàu câu mực khơi lớn nhất nước với hàng chục chiếc, mỗi con tàu trị giá hàng chục tỉ đồng.

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN: Người khai sinh nghề câu mực - Ảnh 1.

Đội tàu câu mực hàng chục chiếc ở xã Tam Giang giúp ngư dân làm giàu, góp công bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN: Người khai sinh nghề câu mực - Ảnh 2.

Cụ Lương Tiền, người “khai sinh” nghề câu mực khơi ở xã Tam Giang

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Tiếp nối truyền thống của gia đình, 2 người con trai của cụ Tiền là Lương Văn Trước, Lương Văn Tới cũng theo nghề câu mực, rong ruổi khắp ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đáng tiếc, ông Trước bị gặp nạn trên biển nên vài năm qua không thể tiếp tục theo nghề. Riêng ông Lương Văn Tới - người con trai thứ tư của cụ Tiền - nổi tiếng là một trong những "kình ngư" ở Tam Giang, sở hữu con tàu thuộc hàng lớn nhất tỉnh. Tàu ông Tới có khoảng 60 lao động, mỗi chuyến biển kéo dài 2-3 tháng. "Ngay từ nhỏ, mấy anh em tôi đã theo cha xuống tàu phụ giúp công việc rồi cũng vươn khơi cùng sóng gió đại dương. Tôi gắn bó với biển tự nhiên như thế, không dứt ra được, chừ xa biển vài ngày là thấy nhớ. Vươn khơi bám biển không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ngư dân Tới tự hào.

Ngoài gia đình cụ Tiền, đội tàu câu mực khơi ở Trường Sa - Hoàng Sa của xã Tam Giang ngày một đông đảo hơn theo thời gian. Nhiều năm qua, họ đoàn kết lại để sản xuất trong điều kiện gặp khó thường xuyên bởi thời tiết biến động cũng như tàu nước ngoài ngang ngược xua đuổi. Niềm vui lớn nhất của họ là được "cưỡi sóng vươn khơi", quyết tâm bám biển đi đôi với việc giữ gìn 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam - phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Trong lẽ sống của những ngư dân nơi đây, họ tâm niệm đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Nhiều ngư dân ở Tam Giang nói rằng nghề câu mực rất vất vả, đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe mới có thể bám trụ được. Công việc câu mực được tiến hành vào ban đêm, mỗi người một chiếc thúng được thả từ thuyền lớn, lênh đênh giữa đại dương. Mực thường sống ở các vùng biển có độ sâu từ 1.000 - 1.500 m và dễ bị hấp dẫn bởi ánh sáng lạ trong đêm nên dùng bóng điện công suất lớn thắp sáng để thu hút mực tập trung lại. Sau một đêm thả trôi tự do tầm vài hải lý, thuyền lớn mới đi đón từng người vào rạng sáng hôm sau. Ngoài đối diện với thiên tai, các thuyền thúng còn có nguy cơ bị tàu hàng tông phải. Chưa kể đôi khi xảy ra tranh chấp với ngư dân, tàu nước ngoài.

Nhưng dù có khó khăn, vất vả, nguy hiểm đến đâu, ngư dân câu mực xã Tam Giang vẫn can trường. Họ luôn ý thức trách nhiệm của mình, luôn nhớ như in những lời dặn dò của các bậc cha ông, của cụ Lương Tiền: Phải kiên trì bám biển, giữ ngư trường, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Ý thức bảo vệ chủ quyền

Ông Phạm Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết ở địa phương này, ông Lương Tiền được bà con ngư dân kính trọng vì có công lớn trong phát triển nghề câu mực khơi, cũng như tập hợp, đoàn kết ngư dân đánh bắt trên biển. Theo ông Châu, đội tàu câu mực khơi ở Tam Giang là đội tàu có công suất lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Toàn xã hiện có 31 tàu hành nghề câu mực khơi, tàu công suất thấp nhất 800 CV, cao nhất hơn 1.200 CV, mỗi chiếc trị giá hàng chục tỉ đồng. Ngoài một số tàu cá khác hành nghề lưới vây, mành chụp, đa phần công việc của ngư dân trong xã gắn liền với nghề câu mực khơi. Hiện có khoảng 1.600 lao động trong và ngoài xã làm việc trực tiếp trên các con tàu. Ngoài ra, có hàng ngàn người dân khác làm các công việc liên quan tại cảng cá như buôn bán, sơ chế, bốc vác...

"Nghề câu mực đã từng bước trở thành nghề khai thác hải sản chủ lực của xã Tam Giang và huyện Núi Thành, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu nghề theo hướng vươn ra đánh bắt xa bờ, giảm bớt áp lực khai thác ven bờ và trên sông đầm. Nghề này cũng đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và tạo cơ hội cho nhiều hộ vươn lên làm giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ven biển. Nhiều lao động đi câu mực đã trở thành những ông chủ tàu có tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng, hầu hết đều xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ngư dân ở địa phương cũng rất ý thức về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Châu chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo