Đó là anh Trần Văn Cường, chủ tàu hậu cần nghề biển và là chủ nhiệm một câu lạc bộ ngư dân trẻ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế
Sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, tàu cá đã vây kín chỗ đậu cơ sở sản xuất nước đá cây của ông Nguyễn Thế nằm ven phá Tam Giang (tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tàu cá đã vây kín chỗ đậu để chờ lấy đá, chuẩn bị ra khơi.
Chủ "tuần dương hạm"
Một trong số đó có con tàu gỗ của anh Trần Văn Cường (29 tuổi; ngụ tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An). Con tàu dài hơn 30 m, rộng tầm 6-7 m, công suất trên 1.000 CV. Người dân cứ ví rằng đó là "tuần dương hạm" ở Thuận An, bởi nó gắn bó với chủ, đạp sóng vươn khơi nhiều mùa trăng, hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt trên biển.
Trên boong tàu, hơn 10 thuyền viên khẩn trương bốc đá cây bỏ vào từng bao, sau đó vận chuyển xuống từng khu hầm lưu trữ. Dáng người nhỏ nhưng khá hoạt bát, chủ tàu Trần Văn Cường cẩn thận kiểm tra từng vật dụng, thiết bị trên tàu trước khi rời cửa Thuận An.
Trong tích tắc, gần 1.000 cây đá nguyên khối được các bạn tàu bỏ vào các hộc chứa trên boong tàu. Tất cả nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, nước ngọt, nhiên liệu... đã được đưa lên tàu trước đó. "Tàu chúng tôi làm công tác hậu cần, ngoài thu mua hải sản của các tàu đánh bắt trong tổ đội còn ra cung cấp các thứ nhu yếu phẩm, nhiên liệu để họ tiếp tục bám biển" - anh Cường xởi lởi.
Sinh ra ở vùng ven phá Tam Giang, Cường kể rằng thuở nhỏ, anh theo cha đánh cá vào mỗi đêm. Cả gia đình anh lấy con đò nhỏ làm nhà, phá Tam Giang là chốn mưu sinh. Rồi anh lớn lên, theo gia đình chuyển vào bờ sinh sống. Cha con anh gom góp được ít tiền, quyết định mua lại một con tàu cũ, công suất hơn 100 mã lực, cùng nhau bôn ba sóng gió làm nghề hậu cần trên biển. Ít năm sau, khi Cường cùng người em trưởng thành, gia đình tích cóp "lên đời" con tàu 400 mã lực để tiếp tục hành nghề.
Cách đây hơn 2 năm, Cường quyết định ra riêng, tự mình đứng tên làm chủ con tàu để tiếp tục bám biển. Ngư dân trẻ này kể rằng con tàu anh đóng hết 3,5 tỉ đồng nhưng ngày ấy, anh chỉ có trong tay tầm 100 triệu đồng, tích cóp sau bao năm vất vả mưu sinh. "Tôi cầm cố ngân hàng thêm mảnh đất được 600 triệu đồng, vay thêm bà con mới có đủ tiền đóng tàu" - anh kể.
Ngày anh nhận tàu, tự tay mình treo lên cột buồm lá cờ Tổ quốc và thong dong cầm lái vượt cửa Thuận An cùng bạn tàu tiến thẳng ra biển là một kỷ niệm không bao giờ quên. "Cảm giác thật sự rất khó tả khi gắn cờ Tổ quốc lên nóc tàu. Lúc đó, tôi rất hạnh phúc vì đã làm chủ được con tàu lớn mà mình mơ ước từ nhỏ" - anh Cường nhớ lại.
Tôi bước vào buồng lái, nhìn lên phía trên, khá ngạc nhiên bởi các tờ tiền đủ các mệnh giá nhét khắp các khe hở. Cường bảo rằng đó là số tiền bán ve chai được anh em ngư dân để đó làm từ thiện. "Hôm qua, mới cập bờ, tôi định qua chợ mua con heo đất về bỏ tiền này vào nhưng công việc nhiều quá, sáng nay tàu lại rời bến sớm nên chưa mua kịp" - anh Cường vui vẻ cho biết.
Ngư dân Trần Văn Cường với đống rác thải nhựa do tàu thu gom (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Làm sạch đại dương
Từ những ngày đầu tiên đi biển, chứng kiến cảnh ngư dân trực tiếp xả rác thải xuống biển là những chiếc túi ni-lông, vỏ chai nước, vỏ lon bia đã qua sử dụng hoặc rác thải nhựa trôi dạt từ bờ ra biển, anh cùng các bạn tàu đã nghĩ ngay đến việc thu gom đưa lên tàu mang vào bờ. Sau này, để phục vụ cho việc nhặt rác, tàu của Cường luôn mang theo cây vợt dài để có thể đứng trên mạn tàu vớt những chai lọ, vỏ lon trôi dạt trên mặt biển.
Cây vợt ấy cùng với con tàu của anh đã đi qua nhiều vùng biển của Tổ quốc, từ ngư trường Hoàng Sa đến khu vực vịnh Bắc Bộ để làm sạch biển trong những lúc rảnh rỗi. Từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động phong trào "Ngày chủ nhật xanh", thị trấn Thuận An liền xây dựng phong trào "Ngôi nhà xanh trên biển" để kêu gọi các ngư dân đi biển nhặt các loại rác thải có thể dùng tái chế nhằm gây quỹ giúp đỡ cho học sinh nghèo thì Cường và các bạn tàu càng có thêm động lực với việc vớt rác trên biển.
Nhiệt tình, mẫn cán nên ngoài làm Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Tân Bình, anh Cường còn được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An - với sự tham gia của gần 30 ngư dân trẻ. Không những lan tỏa hành động nhặt rác trên biển để bảo vệ đại dương, CLB ngư dân trẻ do Cường làm thủ lĩnh còn tích cực vận động ngư dân khắp vùng chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường biển.
"Tuần dương hạm" của ngư dân trẻ xa dần cầu cảng để hướng ra biển Đông. Đứng trên cabin cầm lái, thủ lĩnh của những ngư dân trẻ miệt biển Thuận An vang vọng giọng hào sảng: "Hôm rồi vì đi biển nên tôi không dự được Đại hội Đảng bộ thị trấn Thuận An. Sau chuyến biển này, mình sẽ ra Hà Nội dự lễ tuyên dương của Trung ương Đoàn. Đó là một vinh dự, sự động viên to lớn để tôi tiếp tục cống hiến, bám biển vươn khơi".
Gương mặt trẻ tiêu biểu
Ông Hoàng Phước, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An, cho biết Trần Văn Cường là một trong số 34 gương nhà nông trẻ tiêu biểu trên toàn quốc được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của vào cuối năm 2019. "Đó là sự ghi nhận đối với một cá nhân có sáng kiến, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng" - ông Phước đánh giá.
Tháng 3-2020, anh Cường còn cùng với 2 cán bộ đoàn tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh dự nhận giải thưởng cao quý Lý Tự Trọng do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Bình luận (0)