xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN: Những "cột mốc" chủ quyền trên biển

THANH TUẤN - ĐỨC NGỌC

Với nhiều ngư dân, mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền; đi biển không chỉ mưu sinh mà còn có cả nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Những ngày cuối tháng 5, tiết trời Thanh Hóa nắng như đổ lửa. Con đường thảm nhựa dẫn ra cảng Hới (nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nóng hầm hập, phả thẳng vào mặt người. Dưới cảng, hàng trăm con tàu đang neo đậu, ngư dân tất bật giữa cái nắng nung người để chuẩn bị ngư cụ, thực phẩm... cho chuyến ra khơi mới.

Nối nghiệp cha thành "sói biển"

Phường Quảng Tiến là một trong những địa phương có nghề khai thác thủy sản xa bờ phát triển nhất của tỉnh Thanh Hóa. Hiện địa phương này có hơn 240 tàu đánh bắt cá công suất lớn, với số lao động làm trên tàu khoảng 2.000 người. Qua bao thế hệ, từ cảng Hới, những đứa trẻ theo cha ra biển, lớn lên trở thành các "sói biển" thực thụ giữa trùng khơi.

Chúng tôi ghé con tàu gần 1.000 CV của anh Trần Văn Thuận (42 tuổi; ngụ khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến) trước lúc ra khơi. Tất cả mọi thứ từ nơi ăn ngủ, nơi để ngư lưới cụ, khoang chứa tôm cá... đều được anh Thuận cùng các ngư dân kiểm tra, sắp xếp lại ngăn nắp, chỉn chu. "Trên biển mọi thứ đều thiếu thốn, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì thế phải cẩn thận để chuyến đi dài ngày được yên tâm" - anh Thuận xởi lởi.

Giống bao chàng trai ở biển Sầm Sơn, anh Thuận sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển. Hồi nhỏ, anh nhiều lần được theo cha, chú đánh cá giữa biển khơi. Sau này, khi người cha già yếu, anh Thuận và em trai là Trần Văn Nhuận quyết định nối nghiệp của cha.

Sau nhiều năm đi làm công cho các tàu, dốc hết vốn liếng, anh Thuận sắm được tàu riêng. Nhờ "lộc biển", chàng "ngư phủ" này không chỉ xây được nhà cửa đàng hoàng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động, với mức thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm. Chia sẻ về nghề, anh Thuận nói nghề đi biển rất cơ cực, luôn gặp rủi ro, bất trắc nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là chưa nói khi đánh bắt xa bờ còn phải đối mặt với việc bị tàu nước ngoài tấn công, cướp bóc, phá hoại. "Nhưng biển cả đã gắn chặt cuộc đời ngư dân vào đấy. Vất vả, hiểm nguy bao nhiêu càng được tôi luyện, can trường bấy nhiêu" - anh Thuận bộc bạch.

Đó là lý do mà những năm gần đây, trước sự quấy phá, khiêu khích của phía tàu Trung Quốc, anh Thuận cùng các chủ tàu khác vẫn đều đặn vươn khơi, có mặt ở hầu khắp các ngư trường như Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Trường Sa... để đánh bắt cá. Anh được những người đi bạn ví như "sói biển", dạn dày kinh nghiệm.

Nhờ sự gan góc, nhiệt huyết, có chí vươn lên làm giàu, có ý thức bảo vệ ngư trường, khơi gợi tinh thần trách nhiệm, đoàn kết trong thanh niên mà anh Thuận đã được tổ chức Đảng địa phương bồi dưỡng rồi chính thức kết nạp vào Đảng, tham gia Chi bộ Khai thác thủy sản trên biển thuộc Đảng bộ phường Quảng Tiến. Đây là chi bộ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa với tất cả các đảng viên đều làm nghề biển. Không chỉ anh Thuận, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ như anh Lê Văn Hậu, Nguyễn Hữu Hải, Dương Văn Công... cũng vinh dự đứng chung hàng ngũ này. "Vào Đảng không chỉ giúp chúng tôi nắm bắt chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, nhà nước mà còn ý thức hơn với trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Với chúng tôi, mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền" - anh Thuận bộc bạch.

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN: Những cột mốc chủ quyền trên biển - Ảnh 1.

Ngư dân Trần Văn Thuận (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trên con tàu của mìnhẢnh: TUẤN MINH

TRỌN ĐỜI BÁM BIỂN: Những cột mốc chủ quyền trên biển - Ảnh 2.

Lão ngư Nguyễn Duy Trọng, người có hơn 50 năm gắn bó với nghề đi biển Ảnh: ĐỨC NGỌC

Làm chủ trên vùng biển quê hương

Rời cảng Hới, chiều muộn, chúng tôi đến cảng cá Xuân Hội (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Tiếp chúng tôi trên con thuyền nhỏ, lão ngư Nguyễn Duy Trọng (63 tuổi; trú xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội) chia sẻ: "Bao đời nay, người dân thôn Hội Thủy chúng tôi đều sống bằng nghề đi biển, cái nghề này đời con tiếp nối đời cha, như nhà tôi đây đã 5-6 đời nay đều sống nhờ biển. Từ năm lên mười, tôi đã theo cha ra biển đánh cá, tính ra đến nay đã gắn bó với nghề biển hơn 50 năm rồi".

Đối với những ngư dân suốt đời gắn bó với nghề đánh bắt cá như ông Trọng, tình yêu biển cả rất đặc biệt. Ông bộc bạch: "Lúc trẻ ra khơi xa đánh bắt, giờ có tuổi thì đêm đêm lại dong thuyền nhỏ ra vùng biển gần bờ đỏ đèn câu mực, giăng lưới đánh bắt tôm cá. Mỗi lần ra biển, được hòa mình giữa trùng khơi bất tận, được hít thở không khí trong lành trên biển, tôi luôn cảm thấy lòng mình thanh thản, thấy cuộc sống thực sự có ý nghĩa".

Gắn bó với biển, mỗi lần ra khơi, ngư dân nơi đây luôn cảm thấy háo hức, tự hào vì mình đang làm chủ trên vùng biển quê hương. Đó cũng là suy nghĩ của anh Lê Văn Trung, ngư dân xóm Hội Thủy. "Mỗi lần ra biển đánh cá, nhìn những lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên những nóc tàu, ai trong chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng. Biển giàu tôm cá, Tổ quốc có bình yên thì những con tàu mới ngày ngày cùng chúng tôi ra khơi" - anh Trung tự hào.

Ông Trần Sông Hương, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, cho biết xóm Hội Thủy có 230 hộ sống bằng nghề đánh bắt cá trên biển. Nghề biển ở đây là nghề cha truyền con nối, có từ bao đời rồi. Nhờ nghề này, cuộc sống người dân Hội Thủy khá hẳn lên. Nhiều hộ xây dựng nhà cao tầng, sắm ôtô, con cái được học hành đàng hoàng...

Chiều tối, lang thang trên bãi biển Xuân Hội, những con sóng bạc đầu vẫn nối đuôi nhau vỗ đều đều vào bờ. Trò chuyện với chúng tôi lúc đang cùng nhóm bạn đi biển nhâm nhi trên mạn thuyền, lão ngư Nguyễn Khắc Hải (trú xóm Hội Thủy) tâm sự: "Những ngày không đi biển, anh em chúng tôi lại ra bến thuyền ngồi trò chuyện, chén chú chén anh với nhau. Cả đời gắn bó với nghề này, giờ một ngày không ra biển là thấy nhớ...!". 

Tự hào khi thấy cờ Tổ quốc trên biển

Anh Trần Văn Thuận nhớ lại, năm 2011, khi tàu cá của anh mới thả lưới ở ngư trường Trường Sa, cách bờ khoảng 300 hải lý thì nhận được tin áp thấp. Lúc đó, tàu vội thu lưới để tìm nơi trú ẩn nhưng gió biển đã nổi. "Bốn ngày đánh vật với gió bão, lúc cập bờ ở Đà Nẵng, chúng tôi mới biết mình đã thoát nạn. Đó là một chuyến đi nhớ đời mà tôi không thể nào quên, gần 11 ngày lênh đênh trên biển, tiêu tốn khoảng 170 triệu đồng nhưng chẳng được con cá nào" - anh Trần Văn Thuận kể.

Theo anh Thuận, giờ đi biển không chỉ là kiếm con cá, con tôm mà còn có cả nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo mà bao thế hệ cha anh đã ngã xuống gìn giữ đến hôm nay. Anh bày tỏ: "Đi biển bây giờ rất khó nhọc, ra khơi chuyến được chuyến không là chuyện bình thường, thế nhưng chúng tôi vẫn nguyện gắn bó vì đây là nghề của cha ông để lại. Việc có mặt trên biển, được thấy tàu cá của ngư dân mình với lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay giữa biển khơi, lòng tự hào lắm".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo