Liên quan đến diễn biến gần đây trên biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng liên tiếp đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo UNCLOS.
Bất chấp luật pháp và cam kết quốc tế
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên án việc nhóm tàu của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời tái khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG
Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khẳng định hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 đã vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên biển Đông. Theo ông San, Trung Quốc đã ký và là thành viên của UNCLOS thì phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Một nước lớn lại càng phải tôn trọng điều này.
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) nhấn mạnh hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 là vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Giữa Việt Nam - Trung Quốc có tình hữu nghị lâu đời, khăng khít thì nước bạn không nên có những hành vi như thế. Theo đại tá Mẫu, việc phản đối và thể hiện thái độ cương quyết của Việt Nam trong những ngày vừa qua là rất kịp thời. Chúng ta phải đấu tranh kiên trì theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc phải thực hiện cam kết họ đã đề ra với ASEAN như trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Về các biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, ông San cho rằng Việt Nam phải bình tĩnh, lấy tình hữu nghị giữa hai nước làm nền tảng, trước tiên phản đối qua đường ngoại giao. Sau đó cần có những hành động phù hợp để bảo vệ chủ quyền. Lực lượng Cảnh sát biển thời gian qua đã rất kiên cường để bảo vệ chủ quyền trên biển, bám sát những diễn biến trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Bộ Ngoại giao hai nước cũng đã có những trao đổi kịp thời về những vấn đề này.
Ông Hồ Sỹ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), cho biết trên thế giới rất hiếm trường hợp vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác như Trung Quốc. Hành động bất chấp luật pháp, bất chấp cam kết quốc tế và ngang ngược đã làm mất hình ảnh của chính nước này. Theo ông Thoảng, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam cần và sẽ có những biện pháp kịp thời để yêu cầu nhóm tàu khảo sát rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng Trung Quốc đang "nói một đằng, làm một nẻo". Bởi tuyên bố đang có những tiến triển tốt đẹp trong việc đàm phán về Quy tắc về ứng xử các bên ở biển Đông (COC) với các nước ASEAN nhưng thực tế thì tàu của Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ không thiện chí với COC, đẩy tiến trình đàm phán COC vào thế bế tắc kéo dài.
"Cưỡng ép" láng giềng
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Boltom hôm 19-7 (giờ địa phương) chỉ trích hành vi "cưỡng ép" của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
"Việc tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng của tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương được Mỹ và Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) chia sẻ" - ông Bolton viết trên mạng Twitter.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Bolton phản ứng mạnh hành vi của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 3, ông nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc trên biển Đông là "không thể chấp nhận được" khi trả lời phỏng vấn kênh Fox News. Theo ông Bolton, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và có những hành động khác nhằm ngăn Bắc Kinh biến khu vực này thành "một tỉnh mới của Trung Quốc".
Thông điệp chỉ trích Bắc Kinh mới nhất được ông Bolton đưa ra không lâu sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản ứng.
Một trong những nỗ lực như thế của Mỹ đang bị Trung Quốc phớt lờ. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado - Mỹ hôm 18-7, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, chỉ trích Bắc Kinh "phô trương cơ bắp" tại biển Đông và không phản hồi lời kêu gọi của Washington về việc thiết lập một cơ chế liên lạc khủng hoảng nhằm giảm nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm.
Theo báo South China Morning Post, ông Davidson khẳng định cam kết của Washington về việc hiện diện liên tục ở biển Đông nhằm giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Đô đốc Mỹ cũng chỉ trích tham vọng quân sự của Trung Quốc ở biển Đông và nhắc lại chuyện Bắc Kinh gần đây tiến hành vụ thử tên lửa bắn vào vùng biển này không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri - La ở Singapore hồi tháng 6.
Bình luận (0)