Đoàn công tác số 7 có nhiều ca sĩ, diễn viên trong đội văn nghệ xung kích thuộc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM do chị Kim Hoa, con của NSƯT Lê Thiện, làm trưởng đoàn. Ngay trên bon tàu của ngày ra khơi, đội văn nghệ gấp rút tập ca khúc "Lá cờ". Các ca sĩ Quốc Đại, Thanh Sử, Minh Thư, Dương Quốc Hưng… đã hát bằng tất cả niềm tự hào thiêng liêng khi nghĩ về lá cờ Tổ quốc.
Trào dâng cảm xúc
Nhạc sĩ Tạ Quang Thắng dường như đã đồng hành cùng niềm tự hào của chúng tôi, nên lời ca trong bài "Lá cờ" thắm thiết đến cháy lòng: "Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng. Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang. Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom. Để rồi nay bước trên con đường đời. Dù bao gian khó, chông gai đời tôi. Thì đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca…"
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, trao quà cho các chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn
Ca sĩ Quốc Đại nghẹn lời sau buổi biểu diễn văn nghệ trên đảo lớn Trường Sa. Đã hai lần anh đặt chân đến Trường Sa nhưng không hiểu sao mỗi lần đứng trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió biển, ở trên những hòn đảo chìm, đảo nổi, lòng anh cứ trào dâng cảm xúc. Khi nghe tôi nói về Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động tổ chức, ca sĩ Quốc Đại đã nhắc đến một kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp nghệ thuật của anh, đó là được hóa thân trên sân khấu kịch vai chiến sĩ bảo vệ biển đảo Trường Sa, cùng với ngư dân bám biển trong vở "Cây bàng vuông" do đạo diễn Hoa Hạ dàn dưng, từng công diễn tại Nhà văn hóa Thanh Niên và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM.
Ca sĩ Quốc Đại cùng trẻ em trên quần đảo Trường Sa
Đối với ca sĩ Quốc Đại và các văn nghệ sĩ đã vinh dự được đến Trường Sa, lá cờ thắm máu biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã trở thành hồn thiêng sông núi, là biểu tượng tinh thần thiêng liêng, thôi thúc trái tim nghệ sĩ hướng về biển đảo. Chúng tôi đã được trò chuyện với ngư dân khi đến đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Sơn Ca… để biết được trên sóng gió muôn trùng, giữ vững sự tung bay phất phới của những lá cờ Tổ quốc, họ rất cần sự hỗ trợ từ đất liền. Bởi thường xuyên đối mặt với gió biển, mưa bão trong thời tiết khắc nghiệt, những lá cờ Tổ quốc rất dễ hư hỏng. Vì thế, cuộc vận động mang ý nghĩa "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" rất thân thương đối với ngư dân và chiến sĩ Trường Sa.
Không bao giờ rời xa
Nhu cầu sống của mỗi người có nhiều điểm khác nhau và cũng có điểm giống nhau. Nhu cầu về vật chất thì nhiều nhưng nhu cầu về tinh thần thì mãi mãi, không có điểm dừng. Tổ quốc với thềm lục địa thiêng liêng, với chủ quyền biển đảo chính là điều mà ta không bao giờ có thể rời xa, là khát khao cháy bỏng không bao giờ nhàm chán. Và là điều không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người khi nói đến hai chữ quê hương.
Các đại biểu của chuyến công tác với bình hoa và lá cờ Tổ quốc do các chiến sĩ làm bằng tay
Đội văn nghệ xung kích đã mang đến cho các chiến sĩ và ngư dân trên đảo những ca khúc thật hay viết về biển đảo. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là bài quốc ca được hát trên Tàu KN 290 và trên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ca sĩ Thanh Sử xúc động: "Ở đất liền, mỗi sáng thứ hai hằng tuần, chúng tôi lại đứng nghiêm trang trước lá cờ Tổ quốc. Nhưng có thể nói được hát quốc ca dưới ngọn cờ đang bay phất phới, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển đảo và trên thềm lục địa của đất nước mình thì lòng cứ lâng lâng một cảm xúc khó tả".
Ca nô đón đoàn từ Tàu KN 290 ra đảo Cô Lin
Tôi thích ngắm nhìn đội văn nghệ của các tổ tập tiết mục để thi thố trong cuộc hành trình. Họ hớn hở với tay đàn, tay múa. Đẹp nhất chính là tự tay vẽ lên chiếc nón lá mang từ đất liền hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, để những chiếc nón gắn kết hình đất nước, có cả hình quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Tôi bỗng cay xè đôi mắt khi nhớ đến câu chuyện của những người con xa xứ, họ khát khao được thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên biển đảo. Lá cờ mà chúng tôi chào hôm nay trên tàu KN 290 và trên các đảo nơi chúng tôi đã đặt chân đến, trong tiếng nhạc quốc ca hùng tráng, da diết, là hình bóng của thế hệ đã ngã xuống cho hôm nay.
Nhà báo Thanh Hiệp trên đảo Tiên Nữ
Hồn thiêng sông núi thôi thúc các chiến sĩ trẻ là con em của TP HCM và nhiều tỉnh thành khác, đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng trên thềm lục địa. Lá cờ đỏ trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã nâng bước chúng tôi, hướng triệu trái tim nghĩ về Tổ quốc để hiến dâng sức mình xây dựng quê hương.
Thêm nhiều cảm xúc để sáng tác
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, khẳng định trong chuyến đi này, với những điều mắt thấy tai nghe, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh của quân đội, vào ý chí quyết tâm của từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM luôn hỗ trợ ngư dân để họ có niềm tin và nhiều điều kiện thuận lợi cùng với cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa bám biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
"Đối với các nghệ sĩ cùng đi, tôi tin chắc họ sẽ có thêm nhiều cảm xúc, để đưa vào sáng tác về biển đảo quê hương. Những bài hát, lời ca sẽ là lời hiệu triệu, truyền ngọn lửa đến với những ai chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, cùng bảo vệ Trường Sa thân yêu" – Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Kỳ cuối: Hát giữa biển khơi
Bình luận (0)