Nhiều ý kiến nghi ngờ chất lượng của các cột điện và chính ngành điện tỉnh này cũng thừa nhận "cường độ bão chưa mạnh" nhưng cột điện gãy, đổ quá nhiều.
Trong thông cáo báo chí phát đi cuối ngày 22-9, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) cho biết bão số 5 đã làm 304 cột điện bị gãy, 169 cột đổ và 143 cột nghiêng. Trong số 304 cột điện bị gãy có 34 cột dự ứng lực (tỉ lệ 11,2%) và 270 cột bê-tông thường (88,8%). Theo EVNCPC, cột điện gãy, đổ có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường, quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn... dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột. Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột.
Dù biện hộ thế nào thì chất lượng các cột điện bị gãy, đổ hẳn là có vấn đề, không phải vô cớ mà dư luận nghi ngờ.
Tại nhiều công trình, không phải cơ quan giám sát, kiểm định phát hiện chất lượng không đạt yêu cầu mà thiên nhiên mới là người thẩm định công tâm nhất. Chất lượng công trình thế nào, qua mưa nắng, gió bão đều được phơi bày.
Ở tỉnh Kon Tum, Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh này có chiều dài hơn 107 km. Trong đó, đoạn từ Km42 - Km72 được đầu tư hơn 70 tỉ đồng, đã nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng, tới tháng 12-2020 thì hết hạn bảo hành. Tuy nhiên, đoạn đường này xuất hiện hàng trăm điểm hư hỏng, mặt đường bong tróc, lún sống trâu. Tại Km62, nhiều nơi nhựa đùn lên từng mảng lớn, lấy tay bóc nhẹ là lớp nhựa dễ dàng rời ra.
Ở tỉnh Gia Lai, công trình thủy lợi Pleikeo tại xã Ayun, huyện Chư Sê có tổng số vốn hơn 119 tỉ đồng do UBND huyện này làm chủ đầu tư. Đến tháng 8 vừa qua, công trình đã hoàn thành nhưng nhiều vị trí bị hư hỏng nặng. Đơn vị thi công cho người sửa chữa bằng đắp vá thêm xi măng tại các thanh giằng, các vết nứt. Phóng viên Báo Người Lao Động còn phát hiện một số vị trí được gia cố lại bằng đất bùn nhão và bên trên được phủ một lớp xi măng mỏng để che lại (!?).
Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng có tình trạng không ít công trình cầu cống, hễ mưa gió là hư hỏng, không tiêu thoát nước được, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân, dù tiêu tốn hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng ngân sách...
Qua những vụ việc trên, chắc chắn đã đủ cơ sở để đánh giá chất lượng các công trình. Với các công trình kém chất lượng, phải xem xét lại quy trình đấu thầu, năng lực nhà thầu; xem xét lại năng lực, trách nhiệm đơn vị thiết kế, giám sát và nghiệm thu. Những công trình lớn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, những công trình dân sinh, gắn với đời sống, sinh mạng người dân thì không thể đấu thầu, thi công, giám sát và nghiệm thu một cách cẩu thả được.
Làm tốt dân khen, để tiếng thơm và ngược lại, phải xử lý nghiêm khắc với những đơn vị, cá nhân sai phạm. Không thể tồn tại cung cách gian dối, làm qua loa, nghiệm thu, bàn giao xong là phủi tay, "hết xôi rồi việc".
Bình luận (0)