Từ khi được quy hoạch, Khu Kinh tế Hòn La (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được xem là khu “đất vàng” cho các nhà đầu tư. Trong quá trình thi công các dự án, do việc giám sát không chặt, người dân đã ồ ạt xây dựng nhiều công trình trái phép.
Lấn chiếm đất dự án
Theo ghi nhận, dọc tuyến đường vào khu vực cảng có hàng chục căn nhà, hàng quán “mọc” lên bên cạnh nhiều chỗ đang tập kết vật liệu xây dựng để thi công.
“Cứ đến đêm, họ chở vật liệu tập kết, sáng ra xây nhà rồi lấn chiếm thêm đất. Người ta lấn chiếm đất dự án để làm các hàng quán, điểm kinh doanh hoặc chờ đền bù” - một người dân địa phương nói.
Đặc biệt, gần 2 năm nay, bên đường ra phía cuối cầu cảng Hòn La, sát bên cầu cảng nhà nước là một công trình bến cá “lậu” với quy mô lớn, hoạt động gần như một cảng cá. Được biết, cuối năm 2015, ông Tưởng Văn Thịnh (SN 1984, ở xã Quảng Đông) tự ý đổ hàng trăm mét khối đất lấn biển để xây dựng cảng cá này. Theo một người dân sống gần đó, trước đây, các công ty làm công trình ở khu vực trong khu kinh tế mở đường san mặt bằng nên ông Thịnh mua đất, đá đổ ra mép biển. Lúc đầu, người ta nghĩ ông Thịnh làm bãi đậu ô tô tải nhưng sau đó mới biết ông ta làm cảng cho tàu cá vào bốc dỡ hải sản, tiếp tế đá lạnh, thực phẩm, dầu…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Khu Công nghiệp cảng biển Hòn La được triển khai đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng từ năm 2003. Đến năm 2005 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao khu công nghiệp và cảng biển Hòn La cho Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế tỉnh quản lý. Từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016, do việc giám sát của chủ đầu tư không chặt chẽ để cho các nhà thầu đổ đất xuống khu vực ven biển. Lợi dụng cơ hội này, một số cá nhân xây dựng cầu cảng, nhà, hàng quán trái phép... Tình trạng xây dựng nhà tạm, lấn chiếm đất dự án đã xảy ra nhiều năm nay, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng chỉ sau một thời gian tạm yên, người dân lại xây dựng các công trình kiên cố hơn.
“Đá bóng” trách nhiệm
Trả lời chúng tôi, ông Phạm Trung Thành, Phó BQL Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình kiêm Trưởng đại diện Khu Kinh tế Hòn La, thừa nhận có việc xây dựng trái phép ở khu vực này. “BQL Khu Kinh tế Hòn La chỉ quản lý về mặt kinh tế, thu hút, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư. Những trường hợp xây dựng trái phép, chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đình chỉ thi công, làm văn bản đề nghị chính quyền xã Quảng Đông và UBND huyện Quảng Trạch sớm có các biện pháp xử lý nhưng chính quyền địa phương làm chưa triệt để nên mới tồn tại như vậy. Cả đơn vị tôi chỉ có 6 người nên không đủ lực lượng và đủ thẩm quyền làm việc đó” - ông Thành phân trần.
Trong khi đó, ông Võ Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, lại cho rằng BQL các khu kinh tế tỉnh Quảng Bình mà trực tiếp BQL Khu Kinh tế Hòn La là “chủ đất” nên phải chịu trách nhiệm với việc để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.
“Trong quy chế 06, tỉnh nói rất rõ là giao cho BQL quản lý toàn diện và quản lý trực tiếp. Họ không có quyền xử lý vi phạm hành chính nhưng họ có quyền lập biên bản làm việc và lập biên bản đình chỉ. Xã chỉ phối hợp với họ mà thôi” - ông Đạt phân tích.
Cũng theo ông Đạt, UBND xã Quảng Đông vừa có văn bản gửi UBND huyện Quảng Trạch xác định việc các hộ gia đình, cá nhân xây dựng cầu cảng, hàng quán, nhà trái phép là do BQL Khu Kinh tế Hòn La không quản lý chặt chẽ phương án thi công công trình.
Xử lý nghiêm
Ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, nói quan điểm của huyện là phải xử lý nghiêm vi phạm, không để các công trình xây dựng trái phép tiếp tục hoạt động, đặc biệt là bến cá “lậu” của ông Tưởng Văn Thịnh.
“Trước mắt, đề nghị UBND xã, Đồn Biên phòng 184, Công an đồn Hòn La tiến hành vận động người dân và ông Thịnh tự giác tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng; BQL Khu Kinh tế Hòn La triển khai xây dựng tường rào để ngăn chặn việc tiếp tục xây dựng trái phép. Trường hợp người dân không tự giác tháo dỡ, đề nghị BQL Khu Kinh tế chủ trì mời các sở, ban, ngành liên quan để họp bàn giải pháp xử lý…” - ông Duy khẳng định.
Bình luận (0)