xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự chủ đại học chưa phát huy hiệu quả

Bài và ảnh: Huy Lân

Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, sớm sửa đổi những vướng mắc, bất cập để tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ

Ngày 21-4, tại TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ĐHQG TP HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: "Tự chủ đại học (ĐH) trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới".

Quy định chồng chéo

Nhiều đại biểu đánh giá tự chủ ĐH ở Việt Nam đã thực hiện được nhiều năm nhưng những quy định chồng chéo trong các văn bản pháp luật khiến mô hình này chưa phát huy hiệu quả.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết trên thế giới, tự chủ ĐH được nhìn nhận là phương thức tổ chức và quản trị tiên tiến đối với hoạt động của nhà trường ĐH nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Quản trị ĐH theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường được coi là trọng tâm của sáng kiến cải cách giáo dục ĐH.

Còn ở Việt Nam, nội dung tự chủ ĐH được đề cập trong Luật Giáo dục ĐH năm 2012 và mới đây nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34/2018/QH14). Luật này đã thể chế hóa 4 nhóm chính sách: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH; đổi mới quản trị ĐH; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục ĐH. Cả 4 nhóm chính sách nêu trên xét cho cùng đều có liên quan tự chủ ĐH, hướng tới phục vụ mục tiêu đẩy mạnh thực hiện tự chủ thực chất và hiệu quả.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận việc thực hiện tự chủ ĐH thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng quá trình triển khai bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế khiến cho cơ chế tự chủ ĐH chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đó là hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện tự chủ ĐH còn có sự mâu thuẫn, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, nhất là về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, nhất là chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên ĐH... đều phải tuân thủ theo các quy định của các luật chuyên ngành.

PGS-TS Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng tự chủ ĐH ở Việt Nam đang đối diện những thách thức, cụ thể là nội hàm liên quan đến ĐHQG chưa được làm rõ trong Luật số 34; vấn đề quản trị giữa hội đồng ĐH, hội đồng trường, Đảng ủy, ban giám đốc, ban giám hiệu; thẩm quyền ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị thành viên ĐHQG; sự chồng chéo trong các quy định, luật về quyền tự chủ như quy định của Bộ GD-ĐT, Luật số 34 và Nghị định 81, Nghị định 106.

Bà Lan kiến nghị cần sự đánh giá đầy đủ, toàn diện tại các cơ sở giáo dục khi thực hiện quyền tự chủ; cần xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục ĐH trong mối tương quan với hệ thống giáo dục ĐH trên thế giới; sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính nhất quán, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục ĐH thực thi quyền tự chủ.

Tự chủ đại học chưa phát huy hiệu quả - Ảnh 1.

Theo ông Christophe Lemiere, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mỗi năm giáo dục đại học ở Việt Nam cần đầu tư 300 triệu USD từ ngân sách nhà nước

Băn khoăn tự chủ tài chính

Vấn đề tự chủ về tài chính của giáo dục ĐH cũng được một số đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, ở nước ta, mức đầu tư công cho giáo dục ĐH chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GD-ĐT. So sánh tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH Việt Nam/GDP giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy tỉ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH hiện mới chỉ đạt khoảng 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Christophe Lemiere, chuyên gia Ban Phát triển con người thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chỉ ra những thách thức về tài chính đối với giáo dục ĐH Việt Nam, đó là mức phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường ĐH rất thấp; sự phụ thuộc quá mức của các trường ĐH vào nguồn thu từ học phí và hỗ trợ tài chính cho sinh viên còn hạn chế; phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cho các ĐH, trường ĐH ở mức thấp và sử dụng không hiệu quả; sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế.

Theo ông Christophe Lemiere, tự chủ tài chính khác với tự lực cánh sinh về tài chính. Việt Nam cần điều chỉnh cách tiếp cận tự chủ tài chính của các trường ĐH, tránh đồng nhất tự chủ tài chính với tự lực cánh sinh về tài chính hoặc hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. "Việt Nam cần phân bổ thêm hơn 300 triệu USD mỗi năm từ ngân sách nhà nước để mở rộng cơ hội tiếp cận ĐH một cách bình đẳng và có chất lượng" - ông Christophe Lemiere nói. 

Tỉ lệ nhập học cao đẳng, ĐH thấp

Ông Christophe Lemiere đánh giá giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2000 - 2020 đã có những thành tựu đáng kể, trong đó có việc tăng gấp đôi cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH, nhiều trường đã có tên trong các bảng xếp hạng danh tiếng của thế giới. Dù vậy, Việt Nam có tỉ lệ nhập học cao đẳng, ĐH thấp nhất so với các nước khu vực Đông Á. Cách đây 20 năm, tỉ lệ nhập học chung của Trung Quốc thấp hơn Việt Nam, còn hiện tại tỉ lệ này ở Trung Quốc cao gấp đôi Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo