Đơn giản 10 - 3 = 7, còn 7 người! Đáp án là vậy, trò ngây thơ còn cô cũng điềm nhiên. Về sau, có thời đi dạy kèm, nhớ lại cái đề này, ngồi ngẫm và thấy... ác! Tại sao lại đưa ra giả định gây tổn thương cho người khác trong khi hoàn toàn có thể đặt giả định hợp lý hợp tình hơn?
Đề văn thi vào lớp 10 ở Khánh Hòa như sau: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu". Hỏi: "Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên".
Vấn đề gây tranh luận trái chiều nằm ở vế giả định: "Nếu phải ở trong nước sôi". Dù không muốn nhắc đến nhưng theo logic tâm lý, giả định này khiến người ta liên tưởng ngay tới tình tiết dã man trong truyện "Tấm Cám" mà hầu hết học sinh đều đã đọc: Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố cho Cám chết... Truyện cổ này đã từng bị chỉ trích vì có nhiều tình tiết man rợ kiểu như vậy. Cho nên, khi chọn ngữ liệu ra đề mà có chi tiết khiến người ta liên tưởng gần đến một sự việc/nội dung phản cảm nào đó thì sẽ lập tức bị phản ứng, điều này dễ hiểu.
Về tính mới lạ, đây là một đề thi hay, có độ mở tốt và khơi gợi được tư duy, động não từ phía thí sinh. Trình bày suy nghĩ về thái độ sống trong thời đương đại, năng lực thích nghi với hoàn cảnh và bản lĩnh tự quyết - những điều này khá phù hợp đối với các bạn trẻ tuổi 15, 16. Có điều là, giá như chịu khó cân nhắc, biên tập kỹ phần giả định ("nếu phải ở trong nước sôi") thì đề thi đã không gây "sóng gió".
Nhiều năm qua, việc ra đề thi văn - môn học rất quan trọng - đã theo chiều hướng mới. Bên cạnh duy trì câu hỏi phần đọc - hiểu và nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội thường bám sát thời sự. Những vấn đề xã hội đang nóng bỏng; chuyện về sống tử tế, sẻ chia; những tấm gương bạn trẻ cao cả hay những vụ bê bối của người nổi tiếng... đều có thể trở thành ngữ liệu, chất liệu của đề thi, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ, diễn giải của mình. Vốn đã quen bao năm với kiểu ra đề khuôn thước, bay bổng của văn học, không ít lần một bộ phận phụ huynh - học sinh đã sốc và chỉ trích những dạng đề mới.
Nhìn ra nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, thấy thái độ dè dặt với cái mới cũng khá phổ biến. Đã quen tự do, nhiều người đâu chịu vướng víu cái khẩu trang dù buộc phải thực hiện 5K toàn dân. Thời công nghệ 4.0 sát sàn sạt, cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp quyết tâm thực hiện chuyển đổi số song không ít người xem đó chẳng phải chuyện của mình... Chúng ta đã trễ nhịp phát triển hàng chục năm so với nhiều nước bạn cũng vì chậm thích nghi, không chịu đổi mới sáng tạo. Vậy nên, từ phản ứng xung quanh một cái đề thi thôi nhưng suy tưởng thêm nhiều vấn đề tương tự khác thì thấy đó là chuyện đại sự quốc gia.
Bình luận (0)