Tuy nhiên, ít ai biết rằng để vinh dự được thế giới công nhận là loại gạo ngon nhất, nhóm nghiên cứu lai tạo giống lúa ST25 phải trải qua một chặng đường dài, thậm chí là rất dài.
Là trưởng nhóm nghiên cứu lai tạo giống lúa ST, Anh hùng Lao động - kỹ sư Hồ Quang Cua (SN 1953) cho biết cuối năm 1997, ông nhận được thông tin ở Thái Lan đã lai tạo được 2 giống lúa thơm thuần nông ngắn ngày. Là người con của quê hương Sóc Trăng, kỹ sư nông nghiệp này đã nung nấu ý tưởng sẽ lai tạo giống lúa thơm cao cấp cho Việt Nam mà trước tiên là cho quê hương nơi ông sinh ra. Nghĩ là làm, ông cùng 2 cộng sự là TS Trần Tấn Phương (Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng) và ThS Nguyễn Thị Thu Hương bắt đầu thu thập giống lúa bố mẹ từ Thái Lan, Đài Loan, Bangladesh… mang về lai phức hợp trên 10 vụ để cho ra dòng ổn định.
Trải qua 25 năm nhiên cứu và lai tạo, nhóm của kỹ sư Hồ Quang Cua mới cho ra đời giống lúa ST25 được công nhận là Gạo ngon nhất thế giới 2019
Mãi đến năm 2014, nhóm của kỹ sư Hồ Quang Cua mới chọn được giống ổn định và bắt đầu khảo nghiệm. Trải qua 25 năm nghiên cứu để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Sóc Trăng, nhóm nghiên cứu này đã lập trình những tổ hợp lai gồm nhiều đời bố mẹ có gien thơm đặc biệt để tạo ra 25 giống lúa có mùi thơm của dứa, khóm… nên được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thống nhất đặt tên là lúa thơm Sóc Trăng (gọi tắt là ST). Trong số đó, ST25 đã góp phần nâng cao vị thế của hạt gạo Sóc Trăng nói riêng và của đất nước hình chữ S nói chung trên thị trường trong và ngoài nước.
Tạo ra hạt gạo ngon nhất thế giới đã khó, muốn giữ vững thương hiệu lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Vì thế, tại lễ tri ân và khen thưởng nhóm nghiên cứu tạo ra giống lúa ST25 tổ chức tại Tỉnh ủy Sóc Trăng mới đây, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng gạo ST25 không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà là của cả nước. Vì thế, để tiếp tục giữ uy tín, giữ vững thương hiệu gạo ngon nhất thế giới thì ngành nông nghiệp tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền và vận động nông dân phải giữ được chất lượng, tiêu chuẩn gạo; đẩy mạnh công tác phát triển các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, cần phải quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên phát triển các vùng sản xuất những giống lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm lúa gạo của Sóc Trăng và nhóm gạo ST; tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu trong việc lai tạo các giống lúa ST mới và duy trì chất lượng các dòng lúa ST hiện có. Hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý để sớm công nhận giống lúa ST25 là giống lúa cấp quốc gia, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để cung ứng giống lúa này phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường…
Bình luận (0)