Tuy nhiên, nhiều người không khỏi thất vọng khi "gạo ngon nhất thế giới" không ngon như tưởng tượng bởi họ mua phải gạo giả được phối trộn từ nhiều loại gạo khác, thậm chí là trộn với gạo ST24 để "ăn theo" hào quang của ST25.
Cách đây 2 ngày, tôi có cuộc nói chuyện dài với anh Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST24 lẫn ST25. Trong câu chuyện, anh tiết lộ giống lúa ST25 rất mới, hầu như chưa ai trồng còn giống ST24 thì số lượng hạn chế, không bán đại trà.
Như vậy, phần lớn gạo ST25 đang bán trên thị trường không phải là gạo ST25 chính gốc, thuần chủng mà là gạo "giả", lợi dụng tiếng thơm của ST25 để kiếm lời. Phải nói thẳng rằng kiểu kinh doanh "ăn theo" sự kiện này khá phổ biến và là điểm dở của người Việt, rất thiếu lành mạnh và thiếu trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Đây là điều tối kỵ, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tới người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà phân phối chân chính.
Từ câu chuyện gạo ST25, nhìn rộng ra bức tranh chung của nông sản Việt, có thể thấy nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang bị giả hiệu, giả xuất xứ và gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gốc. Không thể đòi hỏi kỹ sư Hồ Quang Cua sản xuất, nhân giống lúa ST24 và ST25 nhanh và nhiều hơn bởi anh cùng nhóm nghiên cứu cộng sự đã làm tròn nhiệm vụ lớn là ghi tên giống gạo Việt Nam vào danh sách gạo ngon nhất thế giới. Phần còn lại, để gìn giữ và phát triển được thương hiệu dòng gạo này, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Phải có những biện pháp quản lý công bằng, rõ ràng nhằm bảo vệ ST25, đồng thời có định hướng trồng trọt, kinh doanh để tất cả các sản phẩm mang thương hiệu ST25 ra thị trường đều mang chất lượng đồng nhất với gạo đã đem đi thi. Mặt khác, cạnh tranh thời hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải nói đúng, làm đúng. Thương hiệu phải đến từ chất lượng thật, giá trị thật chứ không phải từ sự dối trá, thủ thuật để đánh lừa khách hàng.
Trả lời một số người hỏi về gạo ST25, tôi nói rằng bản thân các trang trại của Vinamit cũng chưa có giống lúa này để trồng nhưng chắc chắn từ năm sau, tôi và nhiều người khác sẽ trồng ST24, ST25. Khi đó, gạo ST24 và ST25 sẽ tràn ngập. Vì vậy, người tiêu dùng muốn ăn "gạo ngon nhất thế giới" chính hiệu thì đừng nôn nóng, chịu khó đợi một thời gian nữa. Nhưng về lâu dài, để tránh mua nhầm hàng dỏm, hàng giả, khách hàng phải là người tiêu dùng thông minh, phải tìm hiểu đó là hàng của DN nào sản xuất, sản xuất ở đâu và như thế nào. Phải biết tìm hiểu đúng kênh, hỏi đúng địa chỉ để có được thông tin chính xác. Đơn cử, nếu người tiêu dùng đọc báo viết về gạo ST25, muốn mua đúng gạo thật thì... gọi điện thoại thẳng đến tòa soạn báo đó để hỏi.
Một khi xã hội có ngày càng nhiều DN làm ăn chân chính thì với sự trợ lực của người tiêu dùng thông minh, việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu hàng Việt sẽ không còn là bài toán khó.
Bình luận (0)