xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tự hào là ngư dân Việt Nam

YÊN VÂN

Ngư dân không chỉ là những người đạp sóng ra khơi để mưu sinh và đóng góp của cải cho xã hội mà còn là những người nơi tuyến đầu gìn giữ, khẳng định chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc

Từ bao đời nay, ngư dân ta tự gán cho cái nghề đánh bắt trên sông, trên biển của mình là công việc "hạ bạc". Ý nghĩa của 2 từ này được giải thích theo nhiều cách khác nhau nhưng chung quy là nói về một nghề thấp kém, bấp bênh. Và cho đến sau này, nhiều ngư dân vẫn không thoát ra được nỗi tự ti, mặc cảm về thân phận theo cách nghĩ ấy.

Tự hào là ngư dân Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước - trao cờ cho ngư dân tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang .Ảnh: QUANG LIÊM

Trong một cuộc hội thảo về kế hoạch xây dựng những đô thị thủy sản ở Cà Mau, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu - người có thời gian nghiên cứu rất nhiều về tập quán, tâm tư của ngư dân khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài - đã đưa ra nhận định rất thực tế về ngư dân Việt Nam. Ông nói rằng ngư dân ta khác ngư dân Nhật Bản, Thái Lan hay Philippines ở chỗ luôn tự ti mình thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Điều này là không tốt chút nào.

Theo ông Đào Hồng Tuyển, cần phải làm thay đổi tư duy, nhận thức của ngư dân, làm sao để họ tự hào về nghề của mình, không hề thua kém nghề nào khác. Nhìn nhận đúng vai trò của mình và được quan tâm đúng mức thì đời sống của ngư dân sẽ sung túc hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia.

Tự hào là ngư dân Việt Nam - Ảnh 2.

Ngư dân cảng cá Lagi, tỉnh Bình Thuận treo cờ Tổ quốc lên tàu trước những chuyến vươn khơi.Ảnh: QUANG LIÊM

Trong mười mấy năm làm báo, được phân công phụ trách các địa bàn phần lớn là sông nước và biển đảo, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc, sống chung, thậm chí là ra khơi cùng ngư dân. Từ trải nghiệm thực tế, tôi thấy rằng dù là ngư dân nghèo với một con tàu nhỏ mưu sinh gần bờ hay những ông chủ có đội tàu đánh bắt xa bờ hàng chục chiếc, họ đều có một điểm chung là khiêm nhường và say mê lao động. Ngoài việc mưu sinh, hầu hết ngư dân là những người yêu nghề thật sự.

Cũng có không ít ngư dân thuộc hàng "đại gia" giàu có nức tiếng, ăn đứt nhiều chủ doanh nghiệp lớn nhưng họ vẫn sống bình dị và hòa đồng. Rất khó tìm thấy ở đâu một người vỗ ngực khoe mình là ngư dân bởi đối với họ, nghề đánh bắt đơn giản là không có gì để tự hào.

Vài năm gần đây, khi chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động thực hiện lan tỏa đến mọi miền đất nước, tôi có nhiều dịp gặp gỡ, nhìn thấy những ngư dân chất phác có mặt tại các sự kiện lớn. Từ buổi lễ phát động ở Bạc Liêu ngày 1-6-2019 cho đến những buổi trao cờ ở Mũi Cà Mau, Kiên Giang…, tôi nhận ra có sự thay đổi tích cực trong tâm lý ngư dân sau những buổi lễ trao cờ trang trọng ấy.

Ấn tượng khó quên nhất là buổi trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Kiên Giang vào ngày 29-7-2019 tại TP Rạch Giá. Không phải vì hôm đó mưa gió mù trời sau khi buổi lễ vừa kết thúc, mà chương trình trao cờ thật sự đáng nhớ bởi có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước. 12 người đại diện cho ngư dân Kiên Giang đến dự lễ dường như không biết trước thông tin này.

Tự hào là ngư dân Việt Nam - Ảnh 3.

Trao cờ cho ngư dân tại cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Khéo, người cao tuổi nhất trong 12 ngư dân dự lễ hôm ấy, bộc bạch rằng lúc bước chân vào hội trường và lên sân khấu nhận cờ Tổ quốc, ông và các ngư dân cảm thấy choáng ngợp vì cả đời đánh bắt chưa từng tham dự một sự kiện nào lớn như vậy. Nhớ về phút giây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện trao cờ và bắt tay từng người một, ông Khéo vẫn còn ngỡ ngàng: "Tôi không thể hình dung được hôm ấy, người trao cờ cho chúng tôi là Thủ tướng. Thật sự lúc lên sân khấu hồi hộp và hơi run nhưng gặp Thủ tướng và bắt tay ông thì tôi chỉ thấy xúc động muốn trào nước mắt".

Lão ngư hơn 70 tuổi này là một trong những ngư dân thành đạt ở TP Rạch Giá. Ông có đội tàu đánh bắt xa bờ hơn chục chiếc. Ông Trần Khéo thổ lộ rằng hơn 50 năm trong nghề, chỉ sau cái bắt tay của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông mới thật sự tự tin và tự hào mình là một ngư dân. Ông ghi nhớ từng lời nhắn nhủ của Thủ tướng đến ngư dân, ngoài phát huy nghề khai thác thủy sản còn là những ngọn cờ đầu, những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương.

Sau này gặp lại chúng tôi, ông Trần Khéo cho biết thỉnh thoảng ông và những ngư dân từng được diện kiến Thủ tướng hôm ấy vẫn ngồi nhắc lại kỷ niệm khó quên trong buổi lễ trao cờ Tổ quốc. Rồi họ kể cho con cháu cùng ngư dân trong xóm nghe, để nhắc nhở rằng nghề vươn khơi đánh bắt rất quan trọng và rất đáng tự hào. Ngư dân không chỉ là những người đạp sóng ra khơi để mưu sinh cho gia đình và đóng góp của cải cho xã hội mà còn là những người nơi tuyến đầu gìn giữ, khẳng định chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Thật ra, từ xa xưa, vai trò của ngư dân rất quan trọng trong đời sống xã hội. Có điều là dường như họ chưa được tôn vinh và ghi nhận bằng một việc cụ thể nào đó. Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" phần nào làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của ngư dân - những người bấy lâu nay luôn tự ti bởi nghề "hạ bạc" của mình. Qua chương trình này, chắc hẳn những thế hệ ngư dân hiện tại và về sau sẽ tự tin hơn và luôn tự hào mình là ngư dân Việt Nam.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo