Đây là nguồn vui lớn cho nhân dân thành phố, nhân dân cả nước sau 30 năm kháng chiến đầy gian khổ, thử thách. Nguồn vui tự hào lớn ùa đến không sao tả xiết!
Không chỉ những người đã tham gia kháng chiến mà toàn thể nhân dân thành phố, nhân dân cả nước đều chung vui vì công lao này không chỉ của riêng một địa phương mà là công lao chung của dân tộc, một khát vọng được trông chờ suốt 30 năm.
Nghị quyết nhấn mạnh chữ "chính thức" trong kết luận của Quốc hội chính vì cùng miền Nam, thành phố đã "đi trước về sau" trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 23-9-1945, Sài Gòn nổ tiếng súng kháng chiến đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến lâu dài chống xâm lược Việt Nam của Pháp - Mỹ. Và ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc" cho Nam Bộ. Từ đó, TP Sài Gòn - Gia Định đã được nhân dân cả nước mặc nhiên công nhận danh hiệu TP Hồ Chí Minh (khi ấy chưa có văn bản chính thức nào).
Trong chặng đường rất dài ấy, cùng cả nước, thành phố đã trải biết bao bước ngoặt lịch sử, với kỳ tích của bao liệt sĩ, anh hùng:
- Ngày 23-9-1945, một tiểu đội vũ trang bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ - biểu trưng của thành phố - đã hy sinh đến người cuối cùng trước một đại đội quân xâm lược, trang bị tối tân. (Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.240).
- Và suốt 30 năm, ngay dưới ách kìm kẹp khốc liệt của quân chiếm đóng nhưng con người Việt Nam, người thành phố hết thế hệ này đến thế hệ khác đã nối tiếp nhau làm nên những kỳ tích mà kẻ địch rất khiếp sợ ngay cả khi đứng trong sào huyệt trung tâm của chúng. Những tên tuổi đã làm nên thành phố anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến, từ các em bé xung phong làm giao liên cho bộ đội đến người công nhân Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang, nhà trí thức Thái Văn Lung, các anh chị Trần Văn Ơn, Trần Bội Cơ, Hòa thượng Thích Quảng Đức, nữ sinh Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang… Những địa danh bình thường mà đã ghi dấu ấn sâu trong lịch sử: cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, Tân Thuận, Công Lý, cầu Chữ Y…; kể cả những trụ sở địch được phòng vệ chặt chẽ như Tòa Đại sứ Mỹ, Biệt khu Thủ đô (ngụy), Tổng nha Cảnh sát...
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, thành phố đã góp sức cùng cả nước giành được chiến thắng lớn:
"Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng
… Việt Nam dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên người".
Cột cờ Thủ Ngữ - một trong những biểu trưng của Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh. (Ảnh do tác giả bài viết cung cấp)
Năm 1954, do tương quan lực lượng, chúng ta mới giành được nửa nước, TP Hồ Chí Minh còn nằm trong vùng địch. Và cũng chính trong hoàn cảnh đó, thành phố đã là điểm "ưu tư" trong tâm khảm cả nước:
"Ai vô Nam Bộ
Tiền Giang, Hậu Giang,
Ai vô Thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng…
… Ai vô đó, với đồng bào, đồng chí
Nói với nửa Việt Nam yêu quý
Rằng nước ta là của chúng ta…"
(Tố Hữu -1954)
Và thành phố đã không phụ lòng trông cậy của cả nước, đã cùng miền Nam và cùng cả nước tiến hành kháng chiến 21 năm chống Mỹ thắng lợi.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Bác Hồ đã đi xa trước ngày toàn thắng. TP Hồ Chí Minh không có được diễm phúc đón Bác về Nam trong ngày hội lớn 30-4-1975 nhưng nhà thơ Tố Hữu đã thay chúng ta báo cáo với Bác:
"Ôi! Buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp!
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta!
Chúng con đến xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người, lộng lẫy cờ hoa"
(Tố Hữu - Toàn thắng về ta, 1-5-1975)
Hôm nay, chúng ta lại thêm nguồn vui lớn: Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa kết thúc, đã chỉ ra tầm nhìn đến năm 2025-2030-2045, với mục tiêu "Vươn lên xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển nhanh, bền vững, đến giữa thế kỷ XXI thành nước phát triển, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc".
Trong mục tiêu lớn lao đó, TP Hồ Chí Minh đảm nhận vai trò "Vì cả nước, cùng cả nước", thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong bối cảnh thế giới thời hội nhập cao và cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư với nhiều cơ hội mà cũng chen đầy thử thách khôn lường.
Để hoàn thành trách nhiệm nặng nề đó, thành phố nhất định phải phát huy cao độ những bài học kinh nghiệm của quá khứ, mà nổi bật là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở phát huy phẩm chất anh hùng, tính năng động, sáng tạo, củng cố vững chắc sự đồng thuận xã hội, vun bồi lòng tin trong nhân dân, bảo đảm chiến lược "Thế trận lòng dân" của Đảng.
TP Hồ Chí Minh, để tiếp tục xứng đáng với thành phố mang tên Bác, chúng ta "Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn" (Tố Hữu).
Để trở thành viên ngọc thật sự
45 năm trước - năm 1976 - khi Quốc hội công bố Nghị quyết về đặt tên thành phố mang tên Bác, chúng tôi đang phụ trách công tác Tuyên huấn Thành ủy TP HCM. Nghị quyết của Quốc hội là nguồn động lực thúc đẩy thế hệ chúng tôi quyết tâm xây dựng thành phố trở thành viên ngọc quý của Việt Nam. Chúng tôi bàn nhau: "Viên ngọc quý" nằm ở chỗ, nơi đó môi trường sống đẹp của nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu; chứ chúng ta không cần cái vẻ hào nhoáng bề ngoài của cái gọi là "Hòn ngọc Viễn Đông" mà đế quốc thường tô vẽ cho Sài Gòn cũ. Với quan điểm đó, Việt Nam chúng ta đã vượt qua 20 năm cấm vận khắc nghiệt của thế lực thù địch (1975-1995); kể cả thủ đoạn xâm phạm biên giới bằng vũ trang... Nay, Việt Nam chúng ta sau 35 năm đổi mới đang có "một cơ đồ vững vàng, với tiềm năng dân tộc phong phú, vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế...".
Bình luận (0)