Thông xe toàn tuyến qua 2 hầm đèo Cả và đèo Cổ Mã từ ngày 21-8
Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa với tổng chiều dài gần 13,2km. Trong đó, hầm đèo Cả dài hơn 4,1km, hầm Cổ Mã dài 500m.
Đây là 2 hầm đường bộ có quy mô và trang thiết bị vận hành hiện đại nhất trong các hầm trên Quốc lộ 1 hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống hầm có 2 làn xe đảm bảo vận tốc 80km/giờ.
Xe qua hầm đèo Cả và đèo Cổ Mã nhưng chưa phải nộp phí
Trước khi phát lệnh thông xe, đưa hầm đèo Cả và đèo Cổ Mã vào hoạt động, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước, bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam thực hiện. Ông Thọ cho rằng việc đưa hầm đường bộ qua đèo Cả và đèo Cổ Mã vào hoạt động đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam trong việc thi công hầm đường bộ.
Cắt băng đưa hầm đèo Cả và đèo Cổ Mã vào hoạt động
Việc đưa 2 hầm đường bộ này vào hoạt động góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông trên 2 đoạn đường đèo, rút ngắn thời gian qua đèo từ gần 1 giờ chỉ còn 10 phút, tạo cơ hội phát triển 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Từ nay đến ngày 2-9, xe qua hầm đèo Cả và đèo Cổ Mã không phải đóng phí
Ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Chủ đầu tư dự án), cho biết mặc dù 2 hầm đèo Cả và đèo Cổ Mã mở cửa, đi vào hoạt động từ hôm nay, nhưng sẽ chưa thu phí qua hầm. Việc thu phí qua hầm sẽ được cân nhắc từ ngày 2-9 tới.
Thông xe chính thức hầm đèo Cả
Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, khẳng định sẽ không có chuyện ép buộc lái xe phải đi qua hầm mà sẽ người dân được quyền lựa chọn hoặc đi qua hầm được hưởng các quyền lợi như an toàn, giảm chi phí, giảm thời gian và phải đóng phí; hoặc đi đường đèo như cũ không phải đóng phí, nhưng tốn thời gian, ít an toàn hơn.
Bình luận (0)