Buổi chia sẻ với báo chí đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2020, ngành nông nghiệp đã đứng trước nhiều thách thức, thử thách chưa từng có.
"Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thiên tai diễn biến vô cùng khó lường nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận của các ngành, các địa phương và nhân dân, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả bao trùm"- tư lệnh ngành NN-PTNT bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường
- Phóng viên: Bộ trưởng có nói đến thử thách chưa từng có đối với ngành nông nghiệp? Cụ thể là như thế nào, thưa Bộ trưởng?
+ Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Đúng vậy. Đại dịch Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ đã gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng 100 năm nay, buộc mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải có những thay đổi để thích ứng, bởi dịch bệnh xảy ra ở một thời đại mà nền kinh tế hội nhập sâu rộng chưa từng có, các loại hình logictics, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, một thông tin có khi chỉ sau vài phút là cả thế giới đã tỏ tường.
Không cần nói chúng ta cũng biết, Covid-19 đã làm tổn thương 2 vấn đề lớn: Sức khỏe con người và nền kinh tế. Sức mạnh vô hình của con virus quái ác khiến kinh tế bị ngừng trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra khi dịch lại bùng phát từ Trung Quốc, nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài với ta, hoạt động giao thương, buôn bán đang ở giai đoạn vô cùng sôi động.
Quá trình kiểm soát dịch bệnh buộc mỗi nước đều phải có những bước đi thận trọng, dòng chảy hàng hóa vốn đang lưu thông một cách mạnh mẽ bỗng ùn ứ lại. Những điều này chúng ta có thể thấy ngay từ đầu năm 2020.
Nhiệm vụ, chỉ tiêu giao thì cao nhất từ trước đến nay, trong khi đó khó khăn thì lớn nhất từ trước đến nay..
Trong năm 2020, ngành nông nghiệp không chỉ chịu thách thức đến từ đại dịch toàn cầu trăm năm có một mà còn cùng lúc đối diện với 2 thách thức khác, cũng khắc nghiệt không kém, đó là thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Chưa từng có năm nào gần giao thừa thì trời mưa như trút nước, đúng mùng 1 Tết mưa đá ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc khiến gần 14.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.
Sau mưa đá là hạn lịch sử, chưa bao giờ cả miền Bắc, miền Trunng, miền Nam phải đối mặt với hạn hán, trong khi đó vụ lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Hồng quyết định tới 60% sản lượng lúa cho toàn vùng. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chủ động xoay trục, không chờ nước ở hồ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu khi đó còn cạn kiệt mà lấy nước từ cửa biển, khi triều đẩy lên thì lập tức đóng sập để "bẫy" nước cứu 540.000 ha của Đồng bằng sông Hồng. Khi nước từ hồ Hòa Bình xuống thì đã đổ ải được 70%.
Nước lũ bao trùm tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Lê Phong
Trong khi đó, miền Trung cũng oằn mình trong cơn khát đỉnh điểm, khốc liệt đến mức ngọn cỏ cũng cháy khô, nếu không có đợt mưa diện rộng vào ngày 24-7 thì 28.000 ha lúa của miền Trung có nguy cơ mất trắng. Tương tự như vậy, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt cả kỷ lục năm 2015 - 2016, chưa bao giờ mùa hạn mặn lại kéo dài đến 6 tháng và mùa lũ lại kết thúc sớm như năm vừa qua.
Chưa bao giờ có đến 3 loài hoa của 3 mùa hè, thu, xuân nở cùng một dịp (hoa sữa, bằng lăng và lộc vừng), chưa bao giờ từ cuối tháng 9 đến tháng 11, có đến 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập, có những điểm mưa lên đến 4.000 mm. Những thử thách ấy không còn mang tính dự báo mà nó đã hiện hữu, tác động trực tiếp vào đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.
- Nhưng năm 2020 cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mà ngành nông nghiệp đã đạt được. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân tạo nên thành công này?
+ Chúng ta đã đối mặt với thử thách bằng tinh thần chủ động và linh hoạt. Để "né" hạn mặn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã điều chỉnh ngay lịch xuống giống, nhận thấy tín hiệu thị trường tốt, chúng ta có chủ trương mở rộng diện tích lúa thu đông.
Kết quả, sản lượng lương thực đạt 42,78 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu của 100 triệu dân và thỏa mãn cho nhu cầu xuất khẩu. Giá lúa gạo cao từ đầu đến cuối năm nên bà con trồng lúa năm 2020 rất phấn khởi, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có lúc vượt cả Thái Lan, và trong bối cảnh dịch Covid-19, vai trò của Việt Nam trong sản xuất lúa gạo, cung ứng lương thực cho thế giới đã được khẳng định.
Chúng ta đã có một năm sản xuất, xuất khẩu gạo trọn vẹn chưa từng có.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 cũng cán mốc 42,25 tỉ USD, cao hơn 2,6% so với năm 2019. Theo tôi, đây là kết quả tốt, trong bối cảnh thị trường rối loạn do Covid-19, trong khi trình độ logistics còn hạn chế, chúng ta đã tận dụng từng khe hẹp của thị trường để xuất khẩu hàng hóa.
Nhưng tôi nghĩ, điều có ý nghĩa hơn tất cả mọi con số đó chính là sự yên ổn trong lòng nông thôn khi Covid-19 đã gây ra những nhiễu động bởi sự cách ly, phong tỏa.
Mỗi ngày, nông sản vẫn từ các vùng quê tỏa đi khắp nơi cung ứng kịp thời cho người dân, không có tình trạng khan hiếm, cháy hàng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định cả thế giới lao đao về Covid-19 trong khi ở Việt Nam cứ về quê là yên ổn.
Sự yên ổn ấy được tạo nên bởi thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới khi hạ tầng của nhiều vùng quê ngày càng khang trang, hiện đại, thu nhập của người dân nông thôn đã tăng gấp nhiều lần, hiện đạt 43 triệu đồng/người, trong đợt dịch vừa qua, nông thôn đã là nơi trở về của rất nhiều người sau những đợt sóng mà Covid-19 tạo ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đến thăm dây chuyền sản xuất quế hữu cơ của Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đủ hấp lực để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, do sự đổi mới vẫn còn chậm, thưa Bộ trưởng ?
+ Tôi nghĩ mọi nhận định đều phải có những luận cứ xác đáng nhưng nếu chỉ nhìn vào con số những nhà máy chế biến nông sản được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây thì có thể thấy, nông nghiệp, nông thôn đang là một mảnh đất màu mỡ.
Không hấp dẫn doanh nghiệp thì làm sao ngay trong một năm khó khăn, thách thức như năm 2020 vẫn có 17 dự án chế biến nông sản được khởi công hoặc đưa vào sử dụng, với tổng số vốn 20.000 tỉ đồng, nếu doanh nghiệp không mặn mà thì làm sao có chuyện chỉ trong 5 năm trở lại đây, vốn đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước.
Đó là kết quả của sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp và địa phương. Tôi lấy ví dụ, một nhà máy chế biến thịt gà vô cùng hiện đại vừa được khánh thành ở Bình Phước với tổng giá trị đầu tư 250 triệu USD mà chỉ hoàn thành trong 2 năm kể từ khi có chủ trương đầu tư thì nếu không có sự quyết tâm của doanh nghiệp, sự rộng mở của địa phương thì chắc chắn không thể nào hoàn thành được.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ ba từ trái qua) khảo sát một số ruộng lúa khảo nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.
- Năm 2021, ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên những mục tiêu gì trong kế hoạch phát triển, thưa Bộ trưởng?
+ Năm 2020, cụm từ chuyển đổi số được nhắc đến rất nhiều và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ.
Chúng tôi sẽ tích cực ứng dụng chuyển đổi số để có thể hình thành một lớp nông dân mới, có thể ứng dụng công nghệ số, bán hàng trực tuyến. Và tôi tin xu hướng này sẽ diễn ra rất nhanh bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng vô cùng tốt khi mọi hệ thống quản trị đều được tự động hóa.
Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ về tương lai một ngành nông nghiệp số khi đang có những doanh nghiệp rất chủ động, tích cực trong công cuộc chuyển đổi này.
Bình luận (0)