Không ai có thể hình dung trên địa bàn TP HCM lại có nhiều nhà hàng, quán bar hoạt động kích dục - nói trắng ra là mại dâm trá hình - đến vậy, ngang nhiên tồn tại. Tồn tại và hoạt động gần như công khai trước hệ thống các cơ quan có chức năng phòng chống mại dâm là điều cực kỳ bất thường. Dư luận ví von "con khủng long" chui qua lỗ kim chứ không còn là "con voi", "con trâu" nữa.
Từ những gì mà Báo Người Lao Động đăng, có thể khẳng định ngay rằng nếu không có sự làm ngơ hoặc không có người của các cơ quan chức năng cam tâm bán mình, làm "tay trong" cho những ông chủ các nhà hàng, quán bar thì các địa điểm này không thể tồn tại. Những đồng tiền nhơ nhuốc đó đã được một vài người có chức quyền nhận nhưng sự băng hoại về mặt đạo đức thì cả xã hội phải gánh chịu.
Theo pháp luật về phòng chống mại dâm, các nhà hàng, quán bar có sử dụng lao động nữ là những nơi nhạy cảm, cần được giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng về phòng chống mại dâm. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà hàng, quán bar gồm có các ngành văn hóa, thông tin, lao động - xã hội, y tế từ phường đến trung ương; bên ngành công an thì từ cảnh sát khu vực đến công an phường, các đội nghiệp vụ công an quận, phòng nghiệp vụ của công an TP. UBND các cấp cũng được quy định là địa chỉ chịu trách nhiệm về công tác phòng chống mại dâm tại địa phương mình quản lý. Trong hoạt động quản lý, các cơ quan này còn được quyền thành lập các tổ, đội liên ngành để kiểm tra đột xuất các địa điểm nhạy cảm về mại dâm. Đó là chưa kể cấp ủy, ban điều hành khu phố, tổ dân phố cũng là tai mắt của các cơ quan quản lý.
Thế nhưng, với một "ma trận" các cơ quan chức năng phòng chống tệ nạn xã hội, quản lý ngành nghề nhạy cảm như vậy nhưng vẫn không phát hiện thì thật lạ lùng.
Các cơ quan có thẩm quyền quản lý những nhà hàng, quán bar hoạt động thác loạn mà Báo Người Lao Động phản ảnh, tôi không tin là họ không biết, không nghe, không thấy. Nếu không có sự thông đồng, bảo kê của những ai đó trong cơ quan chức năng thì không thể có chuyện mỗi lần có đoàn kiểm tra là giới chủ hoặc người quản lý đều biết. Vậy, với sự lên tiếng cùng các bằng chứng từ Báo Người Lao Động, lãnh đạo TP HCM cần quyết liệt chỉ đạo, vạch mặt, chỉ tên, xử lý đến nơi đến chốn đối với những người đã đứng ra bảo kê cho hoạt động này tồn tại trong thời gian dài. Trường hợp nếu xác định có nhận tiền hoặc hưởng lợi từ hoạt động thác loạn này, kể cả việc hùn hạp làm ăn, thì cần khởi tố vụ án để xử lý hình sự các đối tượng lợi dụng "chiếc áo công quyền" để bảo kê hoạt động mại dâm về tội "Nhận hối lộ" hoặc "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Người dân TP HCM không thể chấp nhận nơi mình đang sinh sống, công tác, cống hiến lại bị ô uế bởi các hoạt động thác loạn này.
Bình luận (0)