Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không thể chọn giải pháp im lặng như mấy tuần qua, dù hàng loạt vấn đề đã được xới lên, chờ câu trả lời từ bộ.
Đó là tại sao một vụ thuộc bộ liên tục trong 3 năm ký xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô, cho dù Bộ GD-ĐT khẳng định chưa từng có văn bản cho phép trường này đào tạo văn bằng 2?
Đó là tại sao việc cấp phôi bằng lại sơ hở đến vậy? Từ chỗ Vụ Giáo dục ĐH và Văn phòng bộ cùng thẩm định, về sau này chỉ còn Văn phòng bộ, trong khi Vụ Giáo dục ĐH mới là đơn vị chuyên môn nắm rõ từng cơ sở giáo dục có đủ điều kiện và năng lực để đào tạo ngành nào đó hay không, chỉ tiêu bao nhiêu?
Đó là hàng chục trường hợp đã sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh được cấp khống của Trường ĐH Đông Đô để học lên thạc sĩ, tiến sĩ hoặc hợp thức hóa việc bổ nhiệm, đề bạt chức danh, vậy những tấm bằng đó vô giá trị hay vẫn được thừa nhận? Rất nhiều nơi đang rà soát và chờ bộ kết luận để quyết định "số phận" học viên và con đường công danh của không ít người.
Đó là với không ít sơ hở, bất cập trong đào tạo và cấp văn bằng 2 như vậy, mà còn bao nhiêu trường ĐH nữa đã nhúng chàm bằng thủ đoạn tương tự Đông Đô? Phải công bố thật sớm để xã hội không phải tin dùng nhầm người. Nói cách khác, chậm công bố ngày nào tức là sẽ gây thêm nhiều hệ lụy cho đất nước ngày đó.
Lĩnh vực nào cũng khó tránh gian lận nhưng gian lận trong giáo dục là đáng lên án nhất và hậu quả khôn lường nhất bởi đó là môi trường truyền thụ tri thức và ươm mầm nhân cách bao thế hệ. Bộ GD-ĐT đã tuyên chiến với tiêu cực; cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong giáo dục thì khi xảy ra dấu hiệu sai phạm, chính Bộ GD-ĐT phải sốt sắng, xung kích hơn cả trong cuộc chiến này, tránh "hô xung phong" xong rồi giẫm chân tại chỗ!
Vẫn còn đó bao chuyện nhức nhối khác chưa được làm sáng tỏ, nổi cộm là vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Ở Hà Giang, các cơ quan tố tụng địa phương truy tố 5 bị can và kết luận động cơ nâng điểm thi là vì mối quan hệ quen biết, là người thân nên giúp nhau chứ chẳng lấy tiền bạc gì (!?). Tại Sơn La, các bị can khai đã nhận tiền (hàng tỉ đồng) của nhiều người song vì không xác định được hành vi lót tiền là nhằm mua bán điểm nên bỏ qua tội đưa và nhận hối lộ (!?). Đồng tiền có ma hay sao!
Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" được Bộ GD-ĐT phát động từ tháng 7-2006. Thế nhưng, nếu cứ để những chuyện sai trái có thật mà nghe như đùa kể trên tồn tại thì gọi là "sống chung với tiêu cực" chứ "nói không..." cái nỗi gì!
Bình luận (0)