Sáng 20-8, tại buổi thị sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại quận Tây Hồ, Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và UBND TP Hà Nội, thời gian tới, tình hình SXH sẽ được kiểm soát.
Học sinh cũng chống dịch
Sau khi thị sát, bộ trưởng và đoàn kiểm tra nhận thấy vẫn còn một số gia đình chưa chủ động xử lý môi trường tại nhà, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Đặc biệt, bọ gậy vẫn còn xuất hiện ở các khu vực trong nhà như: miệng cống thoát nước, chậu cây cảnh, khu vực trồng cây và rau trên sân thượng. Qua kiểm tra tại 2 hộ dân ở phường Thụy Khuê, các chuyên gia Viện Sốt rét ký sinh trùng trung ương phát hiện 5 ổ bọ gậy, trong đó 4 ổ chứa muỗi truyền bệnh SXH tại lọ hoa cây phát lộc, miệng cống thoát nước... Theo các chuyên gia, ổ bọ gậy này chỉ cần 1-2 ngày sẽ nở thành hàng trăm con muỗi trưởng thành truyền bệnh SXH.
Tận mắt chứng kiến ổ bọ gậy trú ngụ ngay trong vật dụng tại nhà, nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi trước đó, gia đình đã phun thuốc diệt muỗi nên rất yên tâm vì không còn thấy muỗi. Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê, phường hiện ghi nhận 17 ổ dịch SXH. Ngoài việc phun hóa chất diệt muỗi, đội xung kích cùng đội giám sát đã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn về cách tổng vệ sinh môi trường và diệt bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết.
Việc sử dụng hóa chất diệt muỗi tại gia đình cần theo hướng dẫn của nhân viên y tế
Tại buổi thị sát, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi mang mầm bệnh, nếu không duy trì diệt bọ gậy thì sau 2 tuần lại xuất hiện muỗi SXH. Do đó, người dân phải có ý thức loại bỏ những ổ chứa lăng quăng/bọ gậy trong nhà. Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội tập trung phun hóa chất diệt muỗi ở các điểm công cộng như chợ, siêu thị và đặc biệt là ở các trường học để bảo đảm không xảy ra SXH khi ngày khai giảng sắp tới.
"Ngoài kinh nghiệm phát hiện nơi chứa nước thành ổ bọ gậy của cán bộ y tế dự phòng, công tác phun diệt muỗi cũng cần phải chú ý đúng kỹ thuật, pha đúng tỉ lệ hóa chất" - bộ trưởng Y tế lưu ý.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch phun hóa chất, diệt bọ gậy, cùng đó sẽ đề nghị các trường học tuyên truyền, vận động để học sinh tự kiểm tra bọ gậy tại chính hộ gia đình.
"Chúng tôi yêu cầu tất cả giáo viên phải tập huấn, phổ biến kiến thức về phòng chống dịch bệnh SXH cho học sinh. Mỗi giáo viên, học sinh chính là người về gia đình mình triển khai diệt bọ gậy. Từng học sinh sẽ được phát phiếu thông tin lại cho nhà trường những dụng cụ có chứa bọ gậy được tìm thấy" - ông Quý nói.
Không tùy tiện diệt muỗi bằng hóa chất
Trước sự gia tăng của dịch SXH, những ngày qua, người dân đã tự phun thuốc diệt muỗi hoặc thuê các cơ sở tư nhân đến nhà phun. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo việc phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế để bảo đảm hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho cộng đồng. Nếu tự ý phun thuốc không đúng liều lượng, không đúng quy trình, không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi, thậm chí còn khiến muỗi lờn thuốc, kháng hóa chất. Tuy nhiên, người dân có thể sử dụng các bình xịt muỗi và hóa chất diệt muỗi đã được cấp phép lưu hành trên thị trường để sử dụng phun diệt ở phạm vi hẹp trong gia đình. Dù vậy, nếu chỉ diệt muỗi ở phạm vi một gia đình mà nhà hàng xóm không phun thuốc thì muỗi vẫn xuất hiện trở lại.
Hiện ngành y tế đang triển khai chiến dịch phun thuốc diệt muỗi miễn phí tại những địa bàn có người mắc bệnh SXH. Trạm y tế phường, xã sẽ tới từng nhà phun thuốc diệt muỗi cho cả khu nằm trong ổ dịch mà người dân không phải trả bất cứ khoản chi phí nào. Để ngừa SXH, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho rằng quan trọng là phải loại bỏ các ổ lăng quăng, phá bỏ, lật úp các vật dụng có thể chứa nước, đặc biệt là trong mùa mưa, để mầm bệnh không còn nơi trú ẩn.
Bình luận (0)