Sáng 28-7, Lễ trao giải cuộc thi "Từ trong ký ức" lần 2, năm 2021-2022 được tổ chức nhân dịp Báo Người Lao Động kỷ niệm 47 năm thành lập. Từ gần 300 bài dự thi của các cây bút chuyên và không chuyên trong nước lẫn ở nước ngoài gửi về, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 20 bài và quyết định trao giải cho 7 tác phẩm xứng đáng nhất.
"Hồi hộp, xúc động và vỡ òa hạnh phúc"
Đó là tâm trạng của tác giả Viên Nguyệt Ái (Phú Thọ) - tác giả bài viết "Đi qua số phận nghiệt ngã" đoạt giải cao nhất cuộc thi. Chị Nguyệt Ái đã trải qua quá nhiều biến cố trong đời. Mắc một căn bệnh ngặt nghèo liên quan về xương khớp từ năm 1997, chị Ái không thể vận động như người bình thường mà chủ yếu nằm trên giường, mọi sinh hoạt luôn cần trợ giúp. Được mời tham dự lễ trao giải, chị Ái cố gắng ngồi xe lăn, kết nối bằng hình thức trực tuyến. Chị tâm sự cuộc thi "Từ trong ký ức" có sức thu hút sâu sắc với chị. Các bài viết của tác giả khắp nơi đã khơi gợi sự tử tế trong mỗi con người, biết trân trọng quá khứ để lấy đó làm hành trang tinh thần, tiếp tục tiến về phía trước và giúp bản thân chị nhận thức được giá trị của hiện tại. Chị xem tháng năm mình "được sống" là món quà quý giá mà cuộc đời ban tặng, trân trọng những gì mình đã trải qua, bao gồm cả nỗi đau hay hạnh phúc. Chị đã viết một bài thơ dài ngay trước đêm trao giải, trong đó có đoạn: "Nay kể lại mặn mà quá khứ/ Để yêu đời, sống tử tế hơn/ Thắm tình, đượm nghĩa, biết ơn.../Báo Người Lao Động tỏa thơm thiện lành!".
"Tôi vô cùng biết ơn Ban Tổ chức, Ban Biên tập, các vị giám khảo đã tận tụy, nhiệt tâm vất vả cho thành công của sự kiện nổi bật này. Đặc biệt khi buổi trao giải diễn ra đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Báo Người Lao Động lại càng khiến tôi cảm thấy vinh hạnh" - chị Ái bày tỏ tại lễ trao giải.
Tác giả Lê Quốc Khởi (đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm "Đi học mùa nước nổi") cho biết anh rất hạnh phúc vì ký ức của mình nhận được đồng cảm. Qua đó, nhiều người sẽ biết thêm về quê hương Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) dấu yêu của tác giả, nơi mà những đứa trẻ miền sông nước trước đây để được đến trường phải nhọc nhằn đến mức nào. Anh Khởi hy vọng Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục mở rộng sân chơi hay có thêm những cuộc thi như "Từ trong ký ức" bởi: "Khi cuộc sống cứ vội vàng tất bật, nhiều người chỉ biết hôm nay và hướng đến tương lai thì cần lắm, thương lắm một thoáng tìm về tuổi thơ, góc sân trường, nơi ấy quê nhà...
"Từ trong ký ức" là bức tranh từ muôn vàn mảnh ghép những câu chuyện người thật - việc thật. Trong đó có câu chuyện của tác giả Hoài Hương - "Ba tôi và "tài sản" để lại" đoạt giải ba. Vốn là một bạn đọc trung thành của Báo Người Lao Động cũng như nhiệt tình tham gia các cuộc thi viết của báo, tác giả Hoài Hương cho biết giải thưởng lần này là niềm vui bất ngờ, sự khích lệ lớn lao. "Theo dõi Báo Người Lao Động, thấy báo luôn gắn kết, gần gũi với bạn đọc, làm phong phú, đa dạng nội dung, tạo nhiều kênh tương tác để hiểu hơn những tâm tư, nguyện vọng, ước vọng của bạn đọc, của người dân. Kính chúc quý báo luôn vững mạnh, phát triển" - chị Hoài Hương bộc bạch.
Dự lễ trao giải online từ đầu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế, tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang (đoạt giải nhì với tác phẩm "0,01 điểm và khoảng cách với thủ khoa") không giấu sự hân hoan. Gửi bài về cuộc thi từ mùa giải đầu tiên song chưa được chọn đăng, chị Trang vẫn giữ nguyên sự yêu mến và đánh giá cao cuộc thi này, kiên trì tham gia viết. Chị tâm sự: "Ngắm câu chuyện của mình hiện diện trên Báo Người Lao Động đã là niềm hạnh phúc, nay được nhận giải thì càng lâng lâng! Cuộc thi tiếp cho tôi niềm tin rằng dù là cây bút chuyên hay không chuyên, chỉ cần bạn muốn chia sẻ, vẫn có người lắng nghe, kết nối và thấu hiểu... Báo Người Lao Động đã giúp bao người thỏa khát vọng được viết và truyền đi thông điệp tử tế, nhân văn".
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải ba cho bài viết "Những năm tháng hào hùng" của tác giả Lê Văn Mai; hai giải Khuyến khích cho hai tác phẩm "Con đường đại học và mấy lần bật khóc" của tác giả Nguyễn Thái Sơn và "Vị tướng nước ngoài nhớ ơn người cứu mạng" của tác giả Võ Sáu.
Tác giả Hoài Hương (phải) chia sẻ cảm xúc tại lễ trao giải cuộc thi “Từ trong ký ức”. Ảnh: TẤN THẠNH
Lan tỏa yêu thương, tạo động lực sống
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, Thành viên Hội đồng Chung khảo cuộc thi, nhận xét: "Khi tôi đọc từng chữ trong bài dự thi, từng câu trong mỗi bài vào vòng chung khảo, mỗi đoạn kết của những bài đã đoạt giải hôm nay, tôi càng thấm thía hơn câu thơ "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời". Đúng là như vậy đấy. Mỗi số phận hoàn cảnh đều chứa một phần lịch sử."
Theo ông, trong các bài đoạt giải hôm nay, có ba mảng chủ đề chính "chứa một phần lịch sử". Đó là mảng giáo dục, học tập mà điều thấy rõ nhất đây là những ký ức vượt qua chính mình, khắc phục khó khăn, chiến thắng số phận nghiệt ngã. Thứ hai là những câu chuyện những số phận, của mỗi gia đình, mỗi con người với điểm chung là sống một thời đại và có những ký ức "bom đạn bay qua suốt cuộc đời mình". Mảng ký ức thứ ba có thể gọi là vượt qua số phận, chuyện đời tự kể.
"Ký ức có khả năng ấp ủ, nhắc nhớ kỷ niệm, ký ức có sự lan tỏa yêu thương, ký ức tạo được động lực cho mỗi bước chân vững bước trên đường xa. Ký ức có một khả năng tuyệt vời. Tuy ký ức thuộc về phạm trù quá khứ song ký ức lại có khả năng lấy nước mắt của những người hiện tại. Và những bài đoạt giải trong cuộc thi này là những tác phẩm như thế..." - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhấn mạnh.
Phát động cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu"
Tiếp nối những cuộc thi từng thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc, bạn viết cả nước với nhiều tác phẩm chất lượng vừa qua, cũng trong buổi lễ sáng 28-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu".
Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ thầy cô giáo ở trong tâm trí chúng ta không chỉ thời cắp sách đến trường mà dấu ấn của người thầy để lại xuyên suốt trên con đường học vấn, trong tính cách, trong sự nghiệp và cuộc sống đời thường. "Cuộc sống càng bận rộn, chúng ta càng có nhiều trải nghiệm thì nghĩ về người thầy, chúng ta lại càng biết ơn và trân trọng. Ký ức về thầy không chỉ là con chữ, con số, những bài giảng, điểm số, phạt đòn, khen thưởng... mà thầy cô đã gieo vào ta cách sống, cách ứng xử từ môi trường nhỏ là lớp học, tình bạn tình thầy trò nơi học đường để ta bước ra cuộc đời rộng lớn vững vàng hơn. Chủ đề này chắc chắn sẽ chạm vào mạch cảm xúc của nhiều người" - ông Tô Đình Tuân kỳ vọng.
Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" nhận bài dự thi từ ngày 1-8. Chi tiết về thể lệ cuộc thi và các quy định khác sẽ được thông tin trên các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Động trong những ngày tới. Ban tổ chức trông chờ những bài viết hay, chân thật, phác họa được chân dung của người đưa đò trong ký ức hoặc trong đời sống hiện nay. Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi sẽ chọn ra những tác phẩm xuất sắc và những tấm gương thầy cô tiêu biểu để trao giải và vinh danh nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay.
Thư cảm ơn
Nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Báo Người Lao Động (28.7.1975-28.7.2022), Báo Người Lao Động tại TP HCM và các văn phòng đại diện của báo ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Văn phòng Liên lạc Đông Nam Bộ, Văn phòng Liên lạc Kiên Giang tại Phú Quốc đã hân hạnh đón nhận nhiều lời chúc mừng, động viên của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng nhiều trường đại học, bệnh viện, ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp, bạn đọc... trong và ngoài nước.
Báo Người Lao Động vinh dự nhận được lẵng hoa của 64 đơn vị, trong đó có Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Đảng ủy khối Dân Chính Đảng TP HCM, LĐLĐ TP HCM, Hội Nhà báo TP HCM, Báo Hà Nội Mới, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Nam Á Bank, Tập đoàn Vingroup, Saigontourist, VCCorp, MoMo...
Chúng tôi chân thành bày tỏ lòng tri ân sâu sắc về sự quan tâm của tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và bạn đọc. Đây là nguồn động viên to lớn để tập thể Báo Người Lao Động tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, giữ vững tôn chỉ, mục đích, ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc.
Báo Người Lao Động
Bình luận (0)