Tiếng hát của ca sĩ Quang Dũng đã đưa hồn tôi về với quê nhà, với thiên nhiên tưởng như… muốn là được! Nhưng tất cả chỉ là giấc mơ, bởi sông đã cạn vì thủy điện tích nước, núi đã còi vì phá rừng, ruộng đồng lắm thuốc trừ sâu chẳng còn con cá, con lươn.
1.
Ngày 20-6-2016, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng - an ninh. Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, bởi vì tỉ lệ rừng gỗ loại giàu ở Tây Nguyên chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% là loại nghèo kiệt. Các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi hiểm trở, các loại thảo dược quý hiếm bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng cũng giảm mạnh…
Nhưng sau tuyên bố ấy, báo chí phản ánh đều đặn: Rừng vẫn tiếp tục bị "chảy máu"!
Ông cha ta từng nói: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" và mùa lũ vừa qua, nhân dân ta đã chảy nước mắt đầm đìa, chứ không chỉ rưng rưng. Tại hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần nhắc nhở: "Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều" ("Hồ Chí Minh - toàn tập", tập 14, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.165). Trong thư gửi đại hội hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Bác cũng nhắc nhở: "Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy, đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia, phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình" ("Hồ Chí Minh - tuyển tập", tập 2, NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.334).
Nếu chúng ta thực tâm "Học tập
và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thì chắc chắn mùa lũ vừa qua không có những dòng nước mắt còn chảy đến hôm nay.
2.
Ngày trước, thiên nhiên đối với ông cha chúng ta là người bạn thân thiết để tâm tình. Trần Nhân Tông sau khi cùng với nhân dân hát lên bài ca chiến thắng: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu" (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng - Trần Trọng Kim dịch) thì về núi rừng Yên Tử làm bạn với thiên nhiên: "Cảnh tịch an cư tự tại tâm/Lương phong xuy đệ nhập tùng âm/Thiền sàng thọ hạ nhất kinh quyển/Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm" (Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại/ Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông/Giường thiền ở dưới gốc cây, kinh một quyển/ Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng - "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca", Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm).
Nguyễn Trãi cũng giống như bao người khác, xem thiên nhiên là bằng hữu, nên luôn ước mong: "Hà thời kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên" (Bao giờ làm được nhà dưới núi mây/ Múc nước suối nấu chè, gối hòn đá ngủ - "Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác"). Và ước mơ của ông đã thành hiện thực khi về với Côn Sơn, chan hòa tình cảm giữa con người với thiên nhiên: "Côn Sơn núi chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm/ Trong ghềnh thông mọc như nêm/ Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm/ Trong rừng có bóng trúc râm/ Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn" (Côn Sơn ca).
Thiên nhiên luôn là bạn của con người, sẽ giúp con người làm nên lịch sử nếu biết trân trọng nó. Núi Lam Sơn, sông Lương Thủy thành nơi phát tích nhà Lê là như thế và Lê Thánh Tông cảm hứng về thiên nhiên nơi đây: "Núi Lam Sơn cao chót vót như ôm lấy núi Thiên Mục, núi Lam Sơn vươn mình tựa vào núi Thụ Mệnh. Hình dạng núi Lam Sơn im lặng như thương đàn trẻ thơ, lởm chởm như dựng đứng những giáo mác. Ngọn núi cao ngất rồi phẳng dần, thế núi bất bình rồi hoàn tán. Núi có chỗ to lớn và kéo dài, núi có chỗ bằng phẳng và thư thái.
… (Lương Giang) sóng mạnh nổi lên, đua nhau so sánh chiều cao; nước thác ầm ĩ như thiêng liêng nhảy vọt. Gió gầm thác mạnh, chảy vướng lại lùi. Sóng tan rã rồi chảy mạnh, sóng to lớn cứ găng nhau…" (Lam Sơn Lương Thủy phú).
Trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu cũng nhận ra từ thực tế: "Nhớ khi giặc đến giặc lùng/ Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây/ Núi giăng thành lũy sắt dày/ Rừng che bộ đội rừng vây quân thù" (Việt Bắc). Trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, núi rừng Trường Sơn đã góp phần đáng kể: "Trường Sơn mây núi lô xô/ Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng"
(Nước non ngàn dặm).
3.
Đối với thiên nhiên, con người dứt khoát phải trân trọng, nương tựa vào nhau mà sống. Không biết đúng hay sai nhưng khi tuổi đời không còn trẻ, tôi nghĩ thiên địa vạn vật sinh tồn không tách rời sự "cân đối". Nước - lửa là một đôi cân đối, tốt - xấu là một đôi cân đối, thiện - ác là một đôi cân đối, nam - nữ là một đôi cân đối, âm - dương là một đôi cân đối, có căng - có chùng là một đôi cân đối, có vui - có buồn là một đôi cân đối… Nếu có sự mất cân đối hẳn là trái quy luật.
Con người muốn thay đổi đất trời không dễ. Người xưa nói "Con người là vũ trụ nhỏ trong vũ trụ lớn" (Nhân thân tiểu vũ trụ), bởi trời đất có ngũ hành, con người có ngũ tạng. Do vậy, núi rừng như xương cốt, sông suối như mạch máu. Nếu con người phá xương cốt, phá mạch máu, ắt gây hậu quả chẳng hay. Một khi phép tắc thiên địa sụp đổ thì căn bản không có bất kỳ ai có thể ngăn cản lại được.
Môi trường sống có vấn đề sẽ là nguyên nhân tạo thành sự chênh lệch lớn nhất, nên chúng ta phải có hành động cụ thể, đừng để nước mắt nhân sinh tiếp tục chảy do việc tàn phá thiên nhiên. Hãy làm bạn với thiên nhiên, dù muộn còn hơn. Trên đời này không có thuốc chữa hối hận, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình. Muốn suy sụp thì dễ dàng nhưng muốn hưng thịnh thì vạn phần khó khăn, không phải muốn là được. "Mảnh tình san sẻ tí con con" (Hồ Xuân Hương) là mong ước của tôi nhân lúc Xuân về.
Bình luận (0)