xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Góc phố, dòng sông sâu nặng đời người

NGUYỄN THIÊN DI

Ba mươi năm trước, đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP HCM trước khu dân cư cao cấp là dãy nhà xưởng của một công ty may và các cơ sở của quân đội, quốc phòng.

Những thế hệ tiếp nối

Buổi chiều, một đoạn đường biến thành chợ xép. Công nhân (CN) các công ty may X28, X32 tan ca tấp nập. CN các nhà máy lân cận trên đường về ngang cũng ghé lại chợ này. Những chiếc bạt trải vội cùng dăm chiếc rổ bày hàng là những bó rau, củ quả, cùng những chiếc bàn bán thịt, cá, dao thớt phầm phập. Tiếng chào mời rộn rã một đoạn đường.

Chếch lên vài trăm mét là cái chợ lớn hơn, chợ Hạnh Thông Tây. Được xem là chợ lớn thứ nhì quận Gò Vấp thời đó song đoạn đường Phan Văn Trị dẫn đến chợ vẫn là con đường đá lởm chởm, còn nhiều chiếc lều chợ lợp lá, hai bên đường Thống Nhất về phía xóm Mới còn nhiều khu tập thể lụp xụp. Dần dần khu này mọc lên chung cư, mặt tiền đường Thống Nhất bung ra những ki-ốt bán hàng khá tấp nập. Mặt tiền đường Phan Văn Trị gần giáp với Nguyễn Oanh được chia đất cho cán bộ, CN quốc phòng làm việc lâu năm. Mừng như bắt được vàng, mà đúng là vàng thật, rầm rộ xây dựng nhà phố để ở và cho thuê, sống khỏe, coi như bù đắp cho một thời lam lũ gần suốt đời. Bẵng đi cả chục năm nữa, bắt đầu những dự án xây dựng khu chung cư rồi khu dân cư cao cấp. Cả con đường sáng bừng. Những khu phố đã lộ vẻ hào nhoáng. Khi con đường Nguyễn Văn Lượng mở rộng, trở thành con đường đẹp nhất quận Gò Vấp cũng là lúc Trung tâm Thương mại Lotte mọc lên. Rồi một con đường trải nhựa xuyên qua những khu đất dự án biệt thự cao cấp, nối đường Phan Văn Trị và Nguyễn Văn Lượng. Đất vàng, biệt thự xa hoa cùng những tiện ích, giải trí, dịch vụ… thu hút cả khu vực sầm uất theo. Cư dân tấp nập, giá nhà đất tăng vọt. Người đi xa lâu ngày trở về không còn nhận ra cảnh cũ, người xưa.

Góc phố, dòng sông sâu nặng đời người - Ảnh 1.

Một góc bến Bình Đông, quận 8, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mà cũng không riêng quận Gò Vấp. Hầu như khắp nơi trên TP này, 45 năm qua là đổi thay những phận đời. Ít nhất, 2 thế hệ đã sinh ra, lớn lên cùng TP với những nếm trải đủ cung bậc đời sống để thêm gắn bó bền chặt với đất này. Ngày đó, chúng tôi về xóm Mới, phường 16, quận Gò Vấp để định cư. Sát khu tập thể cũ tường làm bằng táp-lô, nền xi măng, mái tôn là những ruộng rau (bây giờ phía phường 10, giáp sân bay vẫn còn một số hộ chủ đất vẫn trồng rau, vừa mưu sinh vừa giữ đất, đường vào vẫn theo con hẻm ngoằn ngoèo), chen lẫn những khu nghĩa địa gia đình. Theo thời gian, cuộc sống cũng đi lên. Khu tập thể đã dần xây những căn hộ riêng lẻ, khang trang, chung nhau những bức tường nhưng là tường kiên cố. Thế hệ thứ hai lớn lên, đi học, đi làm, lập gia đình, hoặc ở chung với cha mẹ hoặc ra riêng, vóc dáng và khuôn mặt đều khỏe, đẹp, không còn dấu tích lam lũ một thời như cha mẹ. Đến thế hệ thứ ba bây giờ thì là những thiên thần của ông bà, cha mẹ, các bé xinh, ngoan, sáng bừng hạnh phúc từng nhà.

Cả đời với dòng sông thân thuộc

Sáng chủ nhật, thỉnh thoảng, nhóm bạn U70 lại rủ nhau uống cà phê ở quán gần chân cầu Chà Và. Từ đây, họ nhìn ra sông Tàu Hủ (còn gọi là sông An Thông) trước mặt, bên kia sông là đại lộ Võ Văn Kiệt, mà với họ, một thời là đường bến Lê Quang Liêm. Còn phóng tầm mắt nhìn dọc, đó là một dải bến Bình Đông, nơi cả cuộc đời của họ trải qua, thăng trầm cùng thời cuộc, là những cư dân rặt của Sài Gòn - TP HCM, nhiều người có ông bà, cha mẹ từ xưa đã sống ở vùng này.

Bên ly cà phê đen, những mái đầu bạc nhớ về một thuở tóc xanh, thuở cù lao Bình Đông còn thưa vắng người. Tiêu biểu và đẹp nhất là khu phố lầu, nay vẫn còn (đã từng được đoàn làm phim "L’Amant" (Người tình) - của đạo diễn Jean Jacques Annaud chọn một số bối cảnh cho phim). Ở đó, có những người bạn, người anh mê thơ - nhạc - vẽ, họ hát hợp xướng, tập đàn, tập kịch, đi giao lưu biểu diễn, thường giao lưu với các trường trung học khác. Họ nhớ về ngã ba Tàu Hủ với kênh ngang số 2, ngày tuổi vô tư vui đùa sông nước, có khi lên tận bến Phú Định, nơi mặt sông rộng hơn để thỏa chí, mà không nghĩ đến nước xoáy luôn nguy hiểm chực chờ.

Với các anh, những địa danh đã đi vào ký ức tuổi thơ, sống mãi theo thời gian, như những chiếc cầu Bình Tây, cầu Chữ U (cầu Bót), cầu số 2, cầu Máy Rượu, cầu Rạch Cát, nối chân tuổi thơ về các vùng đất xa hơn, để khám phá những điều mới lạ. Và thuở đó, con đường đi học của chàng sinh viên Nhạc viện là từ Bình Đông đeo cây đàn guitar thả bộ ra Chợ Lớn, từ đó đi xe buýt xuống Sài Gòn, xe dừng ở góc Lê Văn Duyệt (Cách mạng Tháng Tám) gần Nguyễn Du ngày nay, rồi lại đi bộ đến Nhạc viện. Con đường đầy lá me bay, trong đầu chàng guitarist trẻ bật lên những giai điệu đẹp để rồi khung nhạc tràn đầy trên giấy. Những ngày không ra Nhạc viện, chàng trai ra bờ sông, ở đó có bãi ô rô rộng, dày. Anh áp rạp ô rô xuống, bê những tảng đá xanh, đắp nền cho một chiếc lều cây xanh, ngồi dưới bóng mát đó và mê mải đàn, ngủ quên trong lều lộng gió ban trưa, quên cả bữa ăn cho đến khi mẹ cho mấy người em ra gọi anh về.

Người đó là guitarist - nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, thủ khoa môn classical guitar Nhạc viện Sài Gòn năm 1976, người khởi xướng và mời gọi những guitarist khác cùng thời gầy dựng phong trào guitar cổ điển ở TP HCM gây tiếng vang lớn cả nước những năm 1980. Người anh ruột của anh, cũng rất tài hoa mà đầy chất lãng tử là nhạc sĩ - nhà thơ Vũ Ngọc Giao, giới văn nghệ sĩ cả nước nhiều người biết tiếng và nể phục bởi tài năng và kiến văn sâu rộng. Một người anh, người có ảnh hưởng đến những "mầm non" văn nghệ ngày ấy ở vùng Bình Đông là nhà thơ Tần Như, sau này hoạt động sân khấu, tên ông cũng là nghệ danh: Tấn Thi - một trong những nghệ sĩ kịch nói, điện ảnh nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Nay ông đã già yếu, lại thêm bệnh tật. Mới đây, chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động đã đến thăm ông, chúc ông sớm bình phục.

Nhạc sĩ - guitarist Châu Đăng Khoa đã viết thiên truyện về vùng đất thiếu thời với tất cả yêu thương, nặng lòng. Không chỉ 45 năm qua, mà cả cuộc đời hơn 60 năm của ông và những người bạn, ngày một đổi thay, theo hướng tốt đẹp hơn về mọi mặt. Ông nói dòng sông vẫn chảy, đời người đi qua, những cung bậc số phận ngân rung, trầm mặc nỗi niềm và lắng đọng hơn dẫu ly cà phê nguội ngắt tự khi nào.

Bên quán cà phê ấy, giờ còn ông bạn có sà lan chuyên chở hàng xuôi ngược miền Tây - TP HCM, phong thái nho nhã như ông giáo sư đại học. Ông bạn giảng viên Anh văn thì gầy nhom, được bạn ghẹo vui với biệt danh "lực sĩ cử tạ” , cười hài lòng, hiền hòa sau kính trắng. Một ông bạn khác dạy môn trống, có niềm vui là vẽ chân dung bạn. Và một số người bạn, hễ rảnh là cùng tụ về, sáng cuối tuần ngồi nói chuyện thời nay rồi nhắc chuyện xưa, từ chuyện sang nhà người con gái mình để ý ở bên kia bờ sông Tàu Hủ, chỉ để trộm ngắm. Người đẹp tình cờ bước ra, hai chàng trai xấu hổ, chạy mất dép. Chuyện thương nhau mà chỉ để trong lòng, bởi danh phận chưa có, sợ tuổi xanh trôi qua, để rồi bây giờ tiếc nuối chưa nguôi.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo