Hàng loạt hành động gây phức tạp tình hình biển Đông vừa qua của Trung Quốc mà mới nhất là việc tuyên bố thành lập cái gọi là chính quyền huyện Tây Sa và huyện Nam Sa để quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cho thấy rõ nước này đang gia tăng các hoạt động xâm chiếm biển Đông bất chấp phản đối của quốc tế.
Thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Từ tháng 2 đến nay, các nước tập trung chống dịch Covid-19. Ngay cả Mỹ, quốc gia có số ca mắc Covid-19 tử vong cao nhất thế giới, cũng phải thu hẹp các hoạt động quân sự để tập trung chống dịch. Hồi đầu tháng 3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ghé thăm Việt Nam phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 buộc phải chuyển lịch trình hoạt động. Nhân cơ hội này, Trung Quốc gia tăng các hành động mà không lo sợ bất kỳ hậu quả gì, kể cả sự chỉ trích của truyền thông, phản ứng của các nước.
Thêm nữa, việc chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc che giấu dịch bệnh, cùng với các thông tin bất nhất về con số người chết vì dịch Covid-19, cũng như các tác hại tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế… gây ra những bất ổn trong nội bộ nước này. Trước các vấn đề như vậy, cách Trung Quốc thường làm để xoa dịu dư luận trong nước đó là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân và chỗ các lãnh đạo Trung Quốc thường nhắm tới là biển Đông.
Người dân đi lễ chùa trên đảo Sinh Tồn thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: ĐÀO TÙNG
Một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực này kéo dài liên tiếp từ nhiều năm trước. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4 vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Cùng thời gian này, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 cùng nhóm tàu hộ tống trở lại biển Đông. Sau khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam, nhóm tàu này hiện đã vào khu vực biển của Malaysia. Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán Trung Quốc đang "dương Đông kích Tây", mượn khảo sát dầu khí để bành trướng phía Nam biển Đông.
Bước kế tiếp trong mưu đồ lấn tới của Trung Quốc là việc Quốc vụ viện nước này phê chuẩn thành lập cái gọi là "huyện Tây Sa" và "huyện Nam Sa", trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam, vấp phải phản ứng kịch liệt của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Không thể có chủ quyền hợp pháp
Việc tuyên bố lập 2 đơn vị hành chính cấp huyện nói trên của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam khẳng định về chủ quyền lâu đời đối với 2 quần đảo này. Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 30-3, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam khẳng định Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 82) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Thứ hai, mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật pháp quốc tế. Điều 2 của Hiến chương LHQ quy định: "Tất cả các quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ". Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng LHQ năm 1970 cũng quy định rõ việc không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.
Tuyên bố này của Trung Quốc cũng vi phạm Luật Biển quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Một nguyên tắc quan trọng của Luật Biển quốc tế là nguyên tắc "đất thống trị biển". Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các tòa án quốc tế. Khởi đầu từ vụ thềm lục địa biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hóa trong quy định tại điều 121 của UNCLOS 82.
Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó, bởi lẽ yêu sách chủ quyền chỉ áp dụng đối với đất liền và đảo (islands) - được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Chính vì vậy, việc Trung Quốc tuyên bố quản lý đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển cũng như các vùng biển xung quanh của nó là vi phạm nghiêm trọng đến Luật Biển quốc tế. Chúng ta nên nhớ, bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc gọi là "Trung Sa" là các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển. Chính vì vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc là đi ngược lại luật quốc tế.
Cần triệu tập một cuộc họp của ASEAN
Việt Nam cần phải triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam để gửi công hàm phản đối vấn đề này; đồng thời gửi công hàm lên LHQ để phản đối các hành động vô lý, vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, với cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam cần triệu tập một cuộc họp của ASEAN để ra tuyên bố về sự vi phạm này của Trung Quốc. Việt Nam cũng cần kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng lên tiếng để phản đối các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp của Trung Quốc.
Các nước, chuyên gia quốc tế ủng hộ Việt Nam
Ngay sau tuyên bố ngày 19-4 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái về việc thành lập cái gọi là "huyện Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "huyện Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), quan chức nhiều nước cùng chuyên gia quốc tế bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, đồng thời phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Cùng ngày, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario kêu gọi chính phủ Philippines phản đối việc Trung Quốc ngang ngược thành lập 2 cơ quan hành chính nhằm kiểm soát phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. "Chính phủ Philippines đã phản ứng đúng đắn về vụ tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm hôm 2-4. Chúng tôi thúc giục chính phủ Philippines tiếp tục phản đối mạnh mẽ hành động mới này của Trung Quốc" - cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Del Rosario nhấn mạnh.
Ông Del Rosario cũng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang đối phó với đại dịch Covid-19 để theo đuổi những yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển Đông, gây tổn hại cho các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế. Ông Del Rosario từng đảm trách vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông hồi năm 2016 ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan và giành chiến thắng.
Nhà phân tích về biển Đông của Trường ĐH New South Wales (Úc), GS Carl Thayer, gọi hành động mới đây của Trung Quốc là "khiêu khích", "bất hợp pháp" và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. GS Carl Thayer nêu quan điểm: "Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua hành động xâm chiếm".
Cũng theo chuyên gia này, hành động mới nhất của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã được Trung Quốc và các thành viên ASEAN ký kết vào năm 2002, trong đó có nội dung: "Các bên cam kết tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định ở biển Đông".
X.Mai (theo GMA Network)
Bình luận (0)