Chiều 28-10, thảo luận về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết 54), đại biểu (ĐB) Trần Anh Tuấn (TP HCM) kiến nghị Quốc hội (QH) cho phép kéo dài Nghị quyết 54 về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Việc kéo dài này, theo ĐB Trần Anh Tuấn là để TP HCM có thêm thời gian xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 - trong đó có những cơ chế cần xem xét lại khi không còn phù hợp, có những cơ chế cần bổ sung để phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu sau đó, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TP HCM) đánh giá sự ra đời của Nghị quyết 54 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TP HCM trong 5 năm qua. "Nếu không có Nghị quyết 54, tình hình của thành phố về kinh tế - xã hội, phòng chống dịch không được như ngày hôm nay" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận kết quả từ Nghị quyết 54 chưa đạt như kỳ vọng. Về khách quan, do 2 năm phòng chống dịch COVID-19 nên việc triển khai các cơ chế, chính sách gặp nhiều khó khăn. Về chủ quan, có những giai đoạn, những công việc thành phố làm chưa thực sự quyết liệt, sự phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận kết quả thực hiện Nghị quyết 54 chưa đạt như kỳ vọng Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM đề xuất kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 đến năm 2023. Song song đó, thành phố đang tích cực phối hợp Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị để có Nghị quyết về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khi có dự thảo nghị quyết này, trong thời gian sớm nhất, TP HCM sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH để có thể đưa ra QH tại phiên họp bất thường sớm nhất, có thể là tháng 1-2023.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang QH, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54. Tuy nhiên, cần có đánh giá cụ thể hơn về các cơ chế, chính sách nào còn hạn chế, từ đó xem xét có cần sửa đổi hay bổ sung nội dung nào vào Nghị quyết 54 hay không. Như cơ chế tăng lương, thu nhập cho cán bộ, công chức chưa đạt kết quả như kỳ vọng, vậy khi xem xét kéo dài Nghị quyết 54 có cần điều chỉnh, bổ sung nội dung gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc không.
Đồng tình với việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, ĐB Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng TP HCM trong thời gian dài dẫn dắt sự tăng trưởng của cả nước nhưng trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, TP HCM đang mất đà. Do đó phải tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù để TP HCM lấy lại "phong độ", phát triển hơn nữa sau thời gian dịch bệnh.
"Với tư cách một động lực cho cả nước phát triển, cơ chế đặc thù cho TP HCM phát triển không chỉ mang ý nghĩa riêng cho thành phố này mà còn tác động đến các địa phương khác và cả nước" - ĐB Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54, thành phố cũng song song xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54. Việc QH đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 sẽ là cơ hội để TP HCM rà soát thật kỹ những vướng mắc, khó khăn hiện nay xuất phát từ các quy định của pháp luật, cũng như những vấn đề mới, nếu được QH cho phép thì TP HCM sẽ có bước phát triển vượt bậc hơn trong thời gian tới.
Bình luận (0)