xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ứng phó thiếu hụt xăng dầu

Minh Chiến - Nguyễn Hải

Các chuyên gia dự báo chênh lệch cung cầu vẫn tiếp tục, giá dầu cán ngưỡng 100 USD/thùng không còn xa trong khi nguồn cung đang thiếu hụt trên toàn cầu

Trong bối cảnh Việt Nam đang hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu tăng "nóng" đã tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp (DN). Nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp để ứng phó và hỗ trợ kinh tế phục hồi, phát triển.

Khó kìm giá xăng dầu

Trong phiên giao dịch sáng 18-2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 3-2022 ở mức 91,39 USD/thùng, giảm 0,37 USD/thùng trong phiên. Nếu so cùng thời điểm ngày 17-2, giá dầu WTI giao tháng 3-2022 đã tăng 0,30 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 4-2022 giao dịch ở mức 92,62 USD/thùng, giảm 0,35 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,49 USD so với cùng thời điểm ngày 17-2.

Ở thị trường trong nước, sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-2, giá xăng RON 95 vượt mức 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Cơ quan điều hành giá đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên trước đà tăng mạnh trên thế giới, rất khó kìm giá xăng dầu trong nước.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho người dân và DN, khi quá trình hồi phục đang bắt đầu với những tín hiệu khả quan, việc xăng dầu tăng giá khiến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khốn đốn.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng, tiến sát mốc 100 USD/thùng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.

Vui mừng khi du lịch dần khôi phục, xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai hoạt động lại 30% trên tổng số xe nhưng ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, cho biết gặp phải mối lo khác là giá nhiên liệu tăng mạnh.

Ông Bằng cho biết: "Giá nhiên liệu không ngừng tăng khiến chúng tôi khó cầm cự, bởi chi phí xăng dầu chiếm tới 35%-40%. Giá xăng dầu tăng nhưng giá vé thì không thể tăng, bởi nếu tăng giá trong thời điểm này là tự sát. Nếu DN vận tải tăng giá là không chia sẻ với người dân, không phù hợp với tình hình hiện tại".

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Chính phủ và Quốc hội đang tập trung ban hành các gói cứu trợ khôi phục sản xuất. Điển hình là gói 320.000 tỉ đồng và hỗ trợ lao động 3 tháng tiền thuê nhà. Thực tế cho thấy ngành vận tải hành khách đường bộ bị tê liệt suốt 2 năm vừa qua và tới thời điểm này, vận tải hành khách tuyến cố định và taxi vẫn phục vụ 50% số chỗ ngồi, đặc biệt là người dân vẫn còn e ngại chưa sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng nên số xe chỉ chạy khoảng 60%.

Ảnh hưởng của thời gian giãn cách quá dài nên đứt gãy chuỗi lao động, các DN đang thiếu hụt nghiêm trọng. Ngành vận tải hành khách lại phải hứng chịu thêm thiệt hại từ giá xăng dầu tăng liên tục và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Xăng dầu là huyết mạch của vận tải và muốn khôi phục thì phải đồng lòng, các DN càng khó khăn khi đến mùa lễ, Tết thì phải bình ổn giá, không được tăng giá cước, trong khi xăng dầu có quỹ bình ổn giá nhưng vẫn tăng làm đứt gãy các mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ để khôi phục sản xuất.

Do đó, ông Hùng cho biết hiệp hội này kiến nghị xem lại quỹ bình ổn giá và tạm dừng thu phí bảo vệ môi trường, như vậy mới đồng bộ với các chính sách của Chính phủ đang ban hành để kích cầu.

Tác động xấu đến tăng trưởng

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá dầu tăng sẽ tác động đến các ngành sản xuất vì đây là nhiên liệu đầu vào. Cụ thể, giá dầu thô tăng kéo theo giá xăng dầu thành phẩm đi lên, làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, gia tăng áp lực lên giá cả.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhấn mạnh đến việc giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới đã gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các ngành sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất. Cục Quản lý giá cho rằng nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới xu hướng tăng trong thời gian tới đã đặt ra vấn đề còn công cụ, dư địa nào để điều hành giá xăng dầu trong nước. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan liên quan đã tính toán các phương án hài hòa sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trên cơ sở tình hình quỹ hiện tại.

Theo ông Đông, thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, vượt ngưỡng 100 USD/thùng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Khi đó, với vai trò là một trong hai cơ quan tham gia điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ tính toán đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí. Phương án này đã được Bộ Công Thương đề xuất trước đó, khi giá dầu đã từng tăng rất mạnh ở thời điểm tháng 10-2021. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ thuế, phí vẫn đang được các cơ quan hữu quan xem xét.

Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết vừa qua nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường. Theo ông Tuấn, mỗi loại thuế đều có quy định rõ ràng, do đó cần có đánh giá toàn diện để đề xuất chính sách cho phù hợp. Bên cạnh đó, trên cơ sở quy định của Chính phủ, khi giá xăng dầu tăng quá 10%, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ có đề xuất, báo cáo Thủ tướng để điều hành giá phù hợp nhất.

Ứng phó thiếu hụt xăng dầu - Ảnh 1.

Hệ thống cây xăng của Petrolimex vẫn hoạt động bình thường tại TP HCM trong ngày 18-2Ảnh: TẤN THẠNH

Bảo đảm nguồn cung đến hết tháng 2

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng việc điều hành giá của liên Bộ Công Thương - Tài chính phải linh hoạt, bám sát diễn biến giá của thị trường thế giới và có quyết sách nhanh hơn để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN. Ngoài ra, DN nên chủ động nguồn hàng, sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để ứng phó với những biến động khó lường trong thời gian tới.

Thông tin từ DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho thấy nguồn cung của các đơn vị đầu mối lớn của nhà nước đều đáp ứng được nhu cầu thị trường. Những DN lớn này bình thường chiếm khoảng 70% thị phần, còn lại thuộc về các DN tư nhân với quy mô nhỏ.

Những DN tư nhân nhỏ này rất linh hoạt, nhất là khi giá xăng thế giới tăng cao mà giá bán lẻ trong nước không theo kịp thì họ không nhập hàng về bán vì sợ thua lỗ (nếu có nhập hàng cũng chỉ nhỏ giọt vì lo ngại bị cơ quan chức năng kiểm tra).

Những đầu mối xăng dầu quy mô lớn hiện vẫn bảo đảm nguồn cung cho đến hết tháng 2 này. Nhưng nếu tình hình không được cải thiện thì nguy cơ thiếu hụt xăng dầu sẽ xảy ra trong tháng 3 tới. Nguồn cung trên thế giới tuy có khó khăn nhưng không đến nỗi khan hiếm, DN vẫn mua được hàng với điều kiện phải chấp nhận giá cao.

DN đầu mối xăng dầu lỗ nặng

Do quy định nếu nhập khẩu xăng dầu từ các nước trong khu vực sẽ được hưởng mức thuế 8% nên nhiều DN tập trung nhập nhiên liệu từ khu vực này, dẫn đến thời gian giao hàng bị chậm trễ. Còn nhập nhiên liệu từ những thị trường khác phải chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 20% nên không DN nào dám nhập hàng.

Nếu được điều chỉnh mức thuế này giảm xuống như các nước trong khu vực sẽ khuyến khích các DN nhập khẩu xăng dầu thuận lợi hơn. Hiện tại, các DN đầu mối xăng dầu đang bị lỗ mỗi lít xăng khoảng 1.100 đồng, dầu 800 đồng/lít. DN đầu mối xăng dầu đang bị lỗ nặng nên họ cắt giảm hoa hồng cho các đại lý từ 1.100-1.300 đồng còn 100 đồng/lít. Do cây xăng không có nguồn thu nên họ không mặn mà đến việc buôn bán.

Các hãng xe công nghệ cũng xác nhận cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu thêm một thời gian nữa. Nếu sắp tới tình hình giá xăng dầu vẫn tiếp tục biến động, bắt buộc phải tăng giá cước.

Ngày 18-2, Sở Công Thương TP HCM gửi văn bản đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cùng các DN xăng dầu trên địa bàn, đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, phối hợp kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối tiếp tục chủ động nguồn cung, bảo đảm không để đứt gãy. Đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động, bảo đảm cung ứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Nghiêm cấm các hành vi đầu cơ, tích trữ, gom hàng... trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. 

Cục Quản lý giá cho biết cơ cấu giá xăng dầu gồm các khoản thuế, phí theo quy định, hiện cơ quan có thẩm quyền đang rà soát các yếu tố chi phí để xem xét, đánh giá cụ thể.

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước

Ngày 18-2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

2-BOX 2 trang 2

Xăng dầu tăng giá đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Bến Nghé (TP HCM)Ảnh: Tấn Thạnh


Dễ đứt gãy ở nhiều lĩnh vực

Công ty CP Đầu tư Nhất Tín Logistics có khoảng 500 phương tiện vận chuyển. Ông Nguyễn Văn Tú, tổng giám đốc công ty, cho biết từ ngày 11-2 đến nay, Nhất Tín Logistics chưa dám làm việc với đối tác để điều chỉnh phụ phí nhiên liệu trong hợp đồng.

"Chúng tôi có những cam kết với đối tác. Năm 2021 khách hàng đã gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nay mới chớm phục hồi lại nên cần có sự chia sẻ, dù bản thân công ty cũng gặp khó khăn, càng giữ giá lâu càng thâm hụt lợi nhuận, kéo dài có thể âm" - ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, Nhất Tín Logistics cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, trước mắt công ty chọn giải pháp cân chỉnh lại tải trọng, sắp xếp lộ trình chuyến... Nhưng với diễn biến giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước hiện tại thì công ty sẽ phải làm việc với các đối tác lớn để cùng giải quyết bài toán chi phí.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải XNK Trần Quốc, Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Tây Ninh - chỉ ra rằng từ khi tái mở cửa kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, chi phí sản xuất của DN vẫn ở mức cao, giá thành sản phẩm cao. Xăng dầu tăng đẩy chi phí vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

"Xăng dầu trên đà tăng giá, DN vận tải lập tức bị ảnh hưởng, nếu không tăng giá thì họ sẽ bị lỗ, ngưng vận hành, còn nếu tăng giá sẽ tác động dây chuyền đến giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác vì tất thảy hàng hóa đều phải vận chuyển để lưu thông trên thị trường" - ông Quốc nêu thực tế.

Theo ông Quốc, câu chuyện giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước mà còn tác động trực tiếp đến hàng xuất khẩu Việt Nam. "Giá xuất khẩu bột mì là 10.500 triệu đồng/tấn. Nay giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, DN xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu. Cuối cùng, DN và nông dân sẽ chịu thiệt" - ông Quốc nêu ví dụ và nói thêm, về lâu dài, DN vận tải cũng sẽ gặp khó khăn vì điều chỉnh giá không kịp với tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước.

Trước thực tế này, DN chỉ có thể cố gắng xoay xở, gồng gánh theo khả năng và trông chờ vào quyết sách của nhà nước. Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ban Kinh tế Trung ương cần ngồi lại bàn với nhau để tính toán giải pháp phù hợp, có thể xem xét hỗ trợ giá từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

"Phải xem xét lại về sự liên kết và tính toàn quốc của các chuỗi vận hành để ra bài toán chung. Đang có hiện tượng găm hàng xăng dầu chờ tăng giá hoặc làm khó, không cho DN vận tải thanh toán cuối kỳ như trước đây mà phải thanh toán ngay trong mỗi lần mua xăng dầu. Nếu không can thiệp nhanh, ngay thì dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo" - ông Quốc phản ánh.

Ông Quốc cũng bày tỏ lo ngại khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, DN Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi giá xăng dầu tiếp tục tăng cao và tình trạng khan hiếm xăng dầu trong nước trước mỗi kỳ điều chỉnh tăng giá lại tiếp diễn.

Ph.An

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo