Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 sau 2 năm liên tiếp như "cú đấm bồi" lên thân thể ngành du lịch. Tác động tiêu cực, tích lũy, liên hoàn do dịch bệnh đến người làm du lịch, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp và ngành du lịch trong nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng càng nặng nề hơn. Vì vậy, tinh thần "chống dịch như chống giặc" cần có cách tiếp cận mới, ứng phó phù hợp để tăng cường sức chống chịu và vượt qua khó khăn, thách thức sống còn của ngành du lịch.
Rất cần được tiếp sức kịp thời
Ở trong nước, dịch Covid-19 đang diễn ra trên diện rộng, số ca lây nhiễm hằng ngày, nhất là lây nhiễm trong cộng đồng nhiều hơn, các biến thể virus được phát hiện phức tạp và khó lường hơn. Bên ngoài, tình hình dịch bệnh ở các quốc gia châu Á như Ấn Độ, các nước ASEAN… nghiêm trọng hơn trước cũng đang gây sức ép lên hệ thống phòng dịch trong nước.
Riêng miền Tây Nam Bộ, dịch bệnh càng đáng lo hơn khi khu vực này có đường biên giới trên bộ, trên biển với Campuchia dài, khó kiểm soát với nhiều đường mòn, lối mở, địa hình phức tạp. Đây cũng là quốc gia đang có dịch bệnh nặng nề, nên nguy cơ và mức độ lây lan càng mạnh hơn. Mức độ đe dọa càng lớn hơn khi tâm lý chủ quan, lơ là trong một bộ phận người dân sau khi đạt được những thành công nhất định trong khống chế các đợt dịch bệnh vừa qua. Cộng với nhu cầu du lịch tăng do "độ nén lò xo" bung ra sau các đợt bùng phát dịch, giãn cách xã hội kết thúc dễ tạo ra sự bùng nổ lượng du khách, đợt du lịch hè liền kề sau khi học sinh, sinh viên kết thúc năm học… Đó chính là lúc dễ lơ là tạo ra các lỗ hổng phòng dịch.
Linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa là chủ yếu, liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ để duy trì hoạt động trong an toàn… là những yêu cầu mà người làm du lịch đã trải nghiệm và thực hiện trong thời gian qua. Hoạt động du lịch phải liên tục trong trạng thái sẵn sàng chuyển on/off phù hợp với tình hình dịch bệnh. Mỗi doanh nghiệp phải chủ động xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh phù hợp, chuẩn bị các gói sản phẩm dịch vụ tốt nhất để đón đầu cơ hội thị trường tăng cầu khi trạng thái "lò xo giải nén" được mở sau khi dịch bệnh được kiểm soát an toàn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch như "người bệnh mới khỏi", rất cần tiếp sức kịp thời từ các gói hỗ trợ kinh tế và chính sách, các chương trình kích cầu ngay những nơi kiểm soát tốt dịch bệnh hay an toàn trên diện rộng. Cần thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch trong an toàn. Tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư.
Khách du lịch đến Bạc Liêu đều tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh
Đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận tốt nhất các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch. Cần huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh phù hợp với xu hướng công nghệ 4.0 gắn tiêu chí du lịch an toàn.
Theo đó, cần ưu tiên thực hiện các nội dung: Số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển những ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn trọng điểm, trong đó có thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; khuyến khích các mô hình check in, đo thân nhiệt tự động để tạo cảm giác thoải mái cho du khách.
Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… chính là cách thức để ngành du lịch sau cơn đau mau khỏi bệnh, nhanh chóng phục hồi và phát triển an toàn. Các cơ quan quản lý, đơn vị hỗ trợ, hiệp hội ngành nghề cần có chương trình hỗ trợ phù hợp, cung cấp thông tin đầy đủ để doanh nghiệp xác định đúng nhu cầu khách hàng.
Triển khai bộ tiêu chí an toàn
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết để bảo đảm an toàn cho du khách và chủ động phòng chống dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh này đã triển khai bộ tiêu chí an toàn về du lịch. Theo đó, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, trang bị dụng cụ rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang y tế... đối với du khách. "Chúng tôi còn thành lập tổ công tác đến các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn... kiểm tra việc thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống dịch; đồng thời còn tuyên truyền, nhắc nhở để mọi người nâng cao ý thức. Hơn một tuần triển khai, tổ chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm" - ông Hùng nói.
V.Du
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)