Cũng dễ lý giải tình trạng trên khi thời gian qua, Phú Quốc phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, cư dân ngày một đông thêm. Mỗi ngày Phú Quốc nhận hơn 200 tấn rác thải nhưng chỉ thu gom được khoảng 2/3. Trong khi hệ thống xử lý rác chưa đạt yêu cầu (UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo thu hồi dự án nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu vào nửa cuối năm 2018), nhiều người dân còn có thói quen xả rác ra môi trường tự nhiên, các bãi rác quá tải và ô nhiễm trầm trọng...
Tương tự Phú Quốc là các hòn đảo Lý Sơn và Côn Đảo, đều có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội, thu hút nhiều du khách dẫn đến tình trạng đầy rác. Tại Lý Sơn, từ năm 2015 đã có một nhà máy xử lý rác công suất 12 tấn/ngày nhưng mới chỉ được bàn giao một lò đốt rác công suất nhỏ, khoảng 1,8 tấn vào ngày nắng, còn ngày mưa chưa đến 1 tấn. Còn tại Côn Đảo, lượng rác tồn ở bãi rác tính đến cuối tháng 3-2018 khoảng 70.000 tấn. UBND huyện đề xuất ép rác lại thành từng bánh, đưa lên tàu chở về đất liền, rồi vận chuyển về Khu Xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ). Tổng kinh phí cho quy trình này khoảng 35,5 tỉ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh và đề xuất này đã được lãnh đạo tỉnh chấp thuận.
Không chỉ các hòn đảo du lịch mà rác cũng đang là vấn đề làm đau đầu cơ quan hữu trách ở nhiều địa phương. Câu chuyện cư dân đổ thẳng rác ra cửa biển ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hay dân ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa xả thêm rác vào bãi rác ven biển hình thành sau cơn bão năm 2006 không còn chuyện lạ. Cũng như chuyện cư dân chặn xe vào bãi rác ở các tỉnh đều là chuyện thường ngày, bên cạnh nỗi lo vài ba năm tới rác không biết đổ ở đâu. Cả vùng rộng lớn ngập đầy rác, rác lan từ thành thị đến nông thôn. Cư dân ở các thành phố lớn, người làm việc ở công sở đều được hướng dẫn về phân loại rác thải tại nguồn nhưng cũng còn nhiều người vi phạm.
Đầu tư xử lý rác không chỉ là bài toán về kinh tế - xã hội mà còn là công nghệ để bảo đảm môi trường, đi cùng với sự minh bạch và độ tin cậy về an toàn. Nếu biết tận dụng, rác thải cũng là nguồn năng lượng thay thế để sản xuất điện năng và dùng để sản xuất phân vi sinh, giảm các nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, phải nâng cao ý thức cộng đồng trong ứng xử với rác thải, cần học tập mô hình, kinh nghiệm người dân Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Từ năm 2009, xã này phát động chiến dịch "Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông", được cư dân hưởng ứng và kết quả rất tốt, cảnh quan, môi trường của hòn đảo luôn sạch đẹp, du khách đến ngày càng nhiều, cư dân có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống.
Chính con người tạo ra rác, con người phải có ý thức để xử lý rác, bảo vệ môi trường, không để "rác" trong đầu, rác bủa vây nơi sinh sống do ý thức kém mà ra.
Bình luận (0)