Chiều 22-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). Do tính chất đặc biệt, chưa có tiền lệ và lần đầu tiên dự thảo luật được xem xét tại phiên họp toàn thể tại QH nên nhiều đại biểu (ĐB) còn có ý kiến khác nhau.
Băn khoăn giao đất 99 năm
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng Việt Nam đã chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá nên đã cấp phép dự án đầu tư vào đặc khu là phải tạo nội lực cho nền kinh tế. Dù cùng có lợi nhưng được 10 đồng, nhà đầu tư (NĐT) lợi 8 đồng để cho ta 2 đồng là không được. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư phải bảo đảm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam. Nếu NĐT cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật, chúng ta có quyền thu hồi dự án.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỄN NAM
Chúng ta nói cùng có lợi nhưng được 10 đồng, họ lợi 8 đồng để cho ta 2 đồng là không được.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)
Theo ĐB, dự thảo luật quy định thời hạn cấp đất tối đa 99 năm trong khi luật hiện hành chỉ cho phép cấp đất tối đa 70 năm và chỉ Thủ tướng mới được quyết định. Điểm chưa hợp lý là NĐT chiến lược đầu tư vào đặc khu được cấp đất tối đa 99 năm nhưng khái niệm NĐT chiến lược lại rất dễ dãi, ví dụ điều kiện là đầu tư casino 44.000 tỉ đồng.
"Chưa biết 50 năm nữa người ta có xài tiền không, có đánh bạc theo kiểu casino nữa không mà lại cấp đất 99 năm. Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi được không. Tôi đề nghị chỉ cấp đất tối đa 70 năm và phải xem lại khái niệm NĐT chiến lược" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Tranh luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng đầu tư mà cứ nghĩ mình được 2, người ta được 8 là tư duy không mang tính kinh tế. Nếu không làm thì đó chỉ là đất để không, không thu được gì. Đằng sau dự án đó còn khai thác được thu nhập từ nguồn khách quốc tế đến chơi casino nghỉ dưỡng ở khách sạn, ăn uống, tạo việc làm cho người lao động. ĐB này nhấn mạnh nhiều quốc gia đã giao đất 90 năm, Việt Nam phải có cơ chế vượt trội mới lôi kéo được NĐT.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ban soạn thảo cần nghiên cứu lại, không thể miễn thuế tiền thuê đất, mặt nước cả tuổi đời dự án 70 năm, 90 năm, vì như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất.
Ưu đãi không phải yếu tố quyết định
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) băn khoăn Chính phủ xác định thành lập casino để thu hút đầu tư nhưng ưu đãi thuế, xây dựng casino và các dịch vụ giải trí không phải tất cả, môi trường, thủ tục vẫn vận hành theo cơ chế lạc hậu thì không thể thu hút được.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) dẫn kinh nghiệm quốc tế có 3 thế hệ đặc khu gồm sơ khai, hiện đại và tiên tiến. Hiện nay, Mỹ, Đức, Trung Quốc đang triển khai mô hình đặc khu thế hệ thứ 3 hướng đến công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, dự thảo luật đang xây dựng đặc khu theo mô hình thứ 2. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý. Thực tiễn cho thấy ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế, không phải yếu tố quyết định thu hút đầu tư mà chính là môi trường, thủ tục.
ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng cả 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều xác định lĩnh vực ưu tiên là du lịch, nghỉ dưỡng rồi mở casino là trùng lặp về ngành nghề ưu tiên. Như vậy liệu có dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau giữa 3 khu vực, nhất là trong bối cảnh các nước láng giềng đã rất thành công về kinh doanh casino thì ngành nghề ưu tiên ta chọn như thế có đủ cạnh tranh không.
Giải trình về dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay xét trên 9 tiêu chí quan trọng nhất thì tính ưu đãi của dự thảo bằng hoặc cao hơn so với các nước. Riêng ưu đãi về thuế chỉ kém so với một số thiên đường thuế. Về thời hạn thuê đất 99 năm và quy định được chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, bộ trưởng cho biết thời hạn cho thuê đất kéo dài chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Muốn đột phá nhưng lo lạm quyền
Để tạo cơ chế đột phá cho đặc khu, Chính phủ đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương đặc khu. Một là chính quyền địa phương đặc khu được xây dựng thành thiết chế trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính. Hai là vẫn tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đặc khu, gồm có HĐND và UBND. Đa số ĐB đồng tình với phương án 1. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn vì trưởng đặc khu được giao tới 147 quyền, nếu không có cơ chế giám sát sẽ dẫn đến lạm quyền. PHƯƠNG ANH
Bình luận (0)